Giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội cao nhất 14 triệu đồng/tháng: Mức tiền này có thuộc diện người thu nhập thấp nữa không?

Quang Thái
29/10/2024 - 18:46
Giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội cao nhất 14 triệu đồng/tháng: Mức tiền này có thuộc diện người thu nhập thấp nữa không?

Khung giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội thấp hơn địa phương khác, nhưng nhiều người dân thấy cao. Ảnh minh họa

Hà Nội đang xin ý kiến về dự thảo giá cho thuê nhà ở xã hội. Với khung giá này, mức giá thuê cao nhất cho 1 căn hộ 70m2 sẽ là 14 triệu đồng/tháng chưa bao gồm các loại thuế phí.

Giá thuê nhà ở xã hội của Hà Nội thế nào?

UBND thành phố Hà Nội đang tiến hành lấy ý kiến về "Dự thảo Quyết định của UBND Thành phố về việc ban hành khung giá cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Khung giá cho thuê nhà ở xã hội thấp nhất là 48.000 đồng/m²/tháng và cao nhất là 198.000 đồng/m²/tháng.

Cụ thể như sau:

Đối với tòa nhà cao dưới 10 tầng, giá thuê từ 48.000 - 96.000 đồng/m²/tháng. 

Với tòa nhà từ 10-20 tầng, mức giá thuê sẽ nằm trong khoảng 49.000 - 98.000 đồng/m²/tháng. 

Tòa nhà có chiều cao từ 20 - 30 tầng sẽ có mức giá thuê từ 73.000 - 146.000 đồng/m²/tháng.

Đối với tòa nhà cao trên 30 tầng, giá thuê sẽ từ 99.000 - 198.000 đồng/m²/tháng.

Theo quy định về nhà ở xã hội, diện tích nhà ở xã hội tối thiểu là 25m², tối đa là 70m².

Như vậy, giá thuê thấp nhất cho căn 25m² tại tòa nhà dưới 10 tầng tại Hà Nội là khoảng 1,2 triệu đồng/tháng. Như vậy, giá thuê cao nhất cho một căn 70m² tại tòa nhà trên 30 tầng rơi vào khoảng 14 triệu đồng/tháng. Trong dự thảo, mức giá này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí bảo trì, chi phí vận hành, chưa có nội thất, các chi phí như bảo hiểm cháy nổ. Mức giá này chưa bao gồm thù lao cho Ban quản trị nhà ở xã hội và chi phí dịch vụ khác phục vụ cho việc sử dụng riêng của chủ sở hữu như trông giữ xe, điện nước, truyền hình, ...

Khung giá này không áp dụng cho những nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn công, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, hay các nhà ở xã hội đầu tư từ nguồn vốn nhà nước dành cho lực lượng vũ trang. 

Đối tượng áp dụng là bên cho thuê và người thuê nhà ở xã hội. Bên cho thuê là Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, chủ sở hữu nhà ở xã hội, Ban quản trị nhà ở xã hội, đơn vị quản lý vận hành nhà ở xã hội.

Giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội cao nhất 14 triệu đồng/ tháng: Người dân kêu "đắt", doanh nghiệp sợ không ai thuê- Ảnh 1.

Khung giá thuê nhà ở xã hội tại Đà Nẵng, về cơ bản không cao hơn Hà Nội

Vừa qua, UBND TP Đà Nẵng cũng đã ban hành quyết định quy định khung giá thuê nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Khung giá cho thuê nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng không bằng vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn sẽ tùy theo loại nhà, dao động từ 57.000 đồng/m²/tháng đến 165.000 đồng/m²/tháng.

TPHCM cũng đã ban hành khung giá thuê nhà ở xã hội do các doanh nghiệp tự đầu tư, không sử dụng vốn đầu tư công hoặc nguồn tài chính công đoàn. Tại TPHCM, giá thuê thấp nhất là 96.000 đồng/m²/tháng và cao nhất là 235.000 đồng/m²/tháng, tùy theo loại nhà.

Như vậy, khung giá cho thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội không cao mà còn thấp hơn địa phương khác. Mức giá về cơ bản của Hà Nội tương đương Đà Nẵng, và thấp hơn nhiều so với TPHCM. Mức giá cho thuê nhà ở xã hội tại TPHCM về cơ bản cao hơn Hà Nội 19%. Mức thấp nhất của TPHCM cao gấp đôi so với mức giá thấp nhất tại Hà Nội.

Người dân kêu đắt, doanh nghiệp lo ngại không ai thuê

Ngay sau khi có dự thảo này, PV Báo Phụ nữ Việt Nam đã thử thực hiện một cuộc thăm dò nhỏ đối với người dân quan tâm đến nhà ở xã hội. 

Anh Hoàng Minh (quận Thanh Xuân) cho biết: "Nếu tính theo bảng giá này, một căn hộ 50m² chưa có nội thất trong 1 tòa nhà 10 đến 20 tầng sẽ có mức giá thuê rơi vào khoảng 5 triệu đồng/tháng, chưa tính các loại thuế phí. Nếu tính tất cả các chi phí bao gồm quản trị, vận hành, phí bảo trì, điện nước, người thuê sẽ phải bỏ ra từ 7 đến 8 triệu đồng để sống trong 1 căn nhà ở xã hội. Theo tôi, mức này là cao. Ở mức cao nhất, người thuê sẽ phải bỏ ra 14 triệu đồng/tháng. Những người thuộc diện thu nhập thấp thì khó có thể chấp nhận được mức giá thuê này, nếu có mức tiền này thì liệu có thuộc diện người thu nhập thấp hay không?".

Chị Mai Lan (quận Long Biên) nêu ý kiến: "Từ quan sát của tôi thì nhà ở xã hội thường được xây tại các khu vực xa trung tâm. Tôi mới thấy có 1 dự án nhà ở xã hội nằm tại Trung Văn, quận Nam Từ Liêm là gần trung tâm nhất, còn lại có 2 dự án mới đủ điều kiện mở bán thì nằm tại Mê Linh và khu vực Tây Mỗ - Đại Mỗ. Tại các khu vực này, mức giá thuê 1 căn hộ 2 phòng ngủ 50-60m2 rơi vào khoảng 5-6 triệu đồng/tháng, mức 14 triệu đồng là có thể thuê một căn hộ trong dự án thương mại trên mức bình dân. Giá thuê nhà ở xã hội nếu tương đương giá thuê nhà ở thương mại thì theo tôi khó có người thuê. Theo tôi, chỉ khi áp dụng các mức giá thấp trong khung giá, tức giá thuê nhà ở xã hội chỉ bằng khoảng 1 nửa hoặc thấp hơn nhà ở thương mại thì mới có người thuê".

Giá thuê nhà ở xã hội tại Hà Nội cao nhất 14 triệu đồng/ tháng: Người dân kêu "đắt", doanh nghiệp sợ không ai thuê- Ảnh 2.

Giảm giá thuê, mua nhà ở xã hội là bài toán không dễ

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần G-Home, doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội, một trong những doanh nghiệp ít ỏi đã xây được nhà ở xã hội và bàn giao cho khách hàng cho biết ý kiến: "Cá nhân tôi cũng thấy mức giá này là cao. Khung giá theo quan điểm của tôi là cao cho người dân, cho người có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, nhưng lại hợp lý cho doanh nghiệp

Khung giá được đưa ra dựa trên các tính toán kinh tế, theo tôi khung giá này cũng là đúng, đủ và hợp lý cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội sẽ phải tính toán bài toán về chi phí đầu vào, chi phí đất, chi phí xây dựng, chi phí quản lý, dòng tiền để trả ngân hàng..., và mức giá thuê phải hợp lý, phải đủ để doanh nghiệp không "chết". Nhưng nếu giá thuê cao, chưa kể thủ tục để được thuê nhà ở xã hội còn phức tạp hơn so với thuê các loại hình khác, tôi sợ không ai dám thuê, không có người thuê thì doanh nghiệp cũng "toi". Về mặt chính sách, chúng ta phải làm sao để có thể hạ được giá nhà thuê cho người dân, cho khách hàng, nhưng cũng phải đảm bảo để doanh nghiệp còn dám làm nhà ở xã hội, đây là bài toán không hề dễ dàng". 

Theo đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội, Hà Nội được giao chỉ tiêu 18.700 căn đến năm 2025. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội mới có 3 dự án với tổng số 1.700 căn được mở bán, chưa đạt 10% kế hoạch. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm