pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mới đạt 2,4% kế hoạch nhà ở xã hội năm 2024: Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp gì?
Ảnh minh họa: Vietnam+
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội,” trong năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 130.000 căn. Tuy nhiên thống kê cho thấy mới có 8 dự án hoàn thành với quy mô 3.136 căn, đạt 2,4% kế hoạch.
Để hoàn thành mục tiêu, theo Bộ Xây dựng, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ cấp phép, triển khai dự án, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng cần nghiên cứu gói tín dụng cho người mua nhà xã hội với thời hạn vay từ 10 đến 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 - 5% so với cho vay thương mại thông thường.
Tiến độ triển khai các dự án chậm
Thông tin về tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải cho biết trong giai đoạn từ năm 2021 đến hết quý II/2024, trên địa bàn cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 561.816 căn. Trong đó có 79 dự án với quy mô 40.679 căn đã hoàn thành; 128 dự án với quy mô 111.688 căn đã khởi công xây dựng; 412 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Riêng 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có 8 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 3.136 căn. Ngoài ra có 5 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng, với quy mô 8.468 căn; 9 dự án đã có chủ trương đầu tư, với quy mô 8.795 căn.
Tuy nhiên theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp,” trong năm 2024, cả nước đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội. Như vậy còn gần 100.000 căn hộ sẽ phải hoàn thành xong trong năm nay.
Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, ngoài 4 ngân hàng (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), hiện có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) và Ngân hàng VPBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.
Qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, đến nay mới có 32/63 ủy ban nhân dân tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia chương trình với 73 dự án. Trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án phát triển nhà ở xã hội là Hà Nội (6 dự án), Thành phố Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...
“Đến nay, các ngân hàng thương mại đã giải ngân với số tiền là 1.234 tỷ đồng, bao gồm 1.202 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án; 32 tỷ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án,” đại diện Bộ Xây dựng thông tin.
Từ thực tế triển khai nhà ở xã hội nêu trên, một số ý kiến chuyên gia nhận định rằng tiến độ xây dựng 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024 còn rất chậm, nếu không đẩy nhanh sẽ khó đạt mục tiêu.
Giải pháp nào để đẩy nhanh nhà ở xã hội?
Về giải pháp, đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh với việc 3 luật (Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023) có hiệu lực kể từ ngày 1/8, thời gian tới, chủ nhà đầu tư nhà ở xã hội sẽ được hưởng nhiều quy định ưu đãi hơn như quy định về xác định tính toán giá mua - bán nhà ở xã hội.
"Tất cả các thay đổi và bổ sung về khung pháp lý sẽ tăng nguồn cung bất động sản và cơ cấu nhà ở xã hội," đại diện Bộ Xây dựng nhìn nhận.
Trên tinh thần đó, đại diện Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này kiến nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cụ thể hóa, đưa các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (như Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023,...) vào cuộc sống.
Về phần mình, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 34/CT-TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp (nhất là khó khăn, vướng mắc về pháp lý, quy hoạch) để tạo chuyển biến rõ nét trong các tháng cuối năm 2024.
Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đề nghị cơ quan này tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật này; rà soát các văn bản có liên quan đến đất đai để sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc bãi bỏ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với từng vùng kinh tế-xã hội, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quý III/2024 đồng thời tập trung xử lý, giải quyết vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách ưu đãi, thủ tục pháp lý trong lĩnh vực đầu tư.
Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp phù hợp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay gắn với tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà xã hội với thời hạn vay từ 10 đến 15 năm; lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 - 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội, động lực để mua nhà.
Đối với địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp cụ thể, nghiên cứu rút gọn các quy trình thủ tục đầu tư để đẩy nhanh thực hiện dự án nhà xã hội, không để lãng phí quỹ đất sạch; giải quyết triệt để các vướng mắc về các thủ tục, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh các dự án...
Cùng với đó, các địa phương chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; nghiên cứu các giải pháp nhằm rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng,… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường, nhất là nhà ở xã hội.