Giá vàng có còn xu hướng đi ngang?

Đỗ Hiếu
25/05/2020 - 15:45
Giá vàng có còn xu hướng đi ngang?
Một số nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian đóng băng vì Covid - 19, những bất ổn chính trị liên quan đến Hồng Kong... là những yếu tố khiến giá vàng biến động lên, xuống thất thường.

Giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên mức 1.729,60 USD/ounce theo Kitco so với tuần qua; vàng giao tháng 6 giảm 0,29% xuống 1.730,45 USD, ghi nhận vào lúc 6h55 (giờ Việt Nam) ngày 25/5.

Cụ thể, tuần qua giá vàng giao tháng 6 của Mỹ đã tăng 13,60 USD, tương đương 0,8%, lên mức 1.735,50 USD/ounce sau khi Bắc Kinh đưa ra luật cho phép các cơ quan tình báo Trung Quốc được đặt cơ sở hoạt động tại Hong Kong.

Các hợp đồng vàng tương lai khởi sắc vào ngày thứ Sáu (22/05) khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc làm tăng tâm lý e ngại rủi ro, lôi kéo nhà đầu tư vào các tài sản được xem là kênh trú ẩn an toàn, bao gồm trái phiếu và đồng Yên (JPY), MarketWatch đưa tin. 

Thị trường trong nước "thận trọng" trước biến động trồi sụt của giá vàng thế giới  - Ảnh 1.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho biết kế hoạch tiếp tục mở cửa trở lại nền kinh tế vốn bị đóng băng vì đại dịch COVID-19 cùng với hy vọng về một phương pháp điều trị COVID-19 đã hạn chế đà tăng của kim loại quý, khiến vàng suy giảm trong tuần qua. Khép lại tuần giao dịch 18-24/5, giá vàng trong nước và thế giới ghi nhận tuần trồi sụt mạnh. Bên cạnh đó, các nhà phân tích nhận định sức mạnh của đồng bạc xanh và chứng khoán có thể sẽ gây áp lực lên thị trường kim loại quý. 

Giới quan sát lưu ý rằng căng thẳng Mỹ-Trung leo thang cùng nỗi lo về đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn đã gây áp lực lên thị trường chứng khoán nhưng hỗ trợ đồng USD, vốn cũng được coi là một kênh “trú ẩn an toàn.” Nhà phân tích Suki Cooper của ngân hàng Standard Chartered cho biết trong quá khứ, căng thẳng thương mại “leo thang” đã giúp đồng USD hưởng lợi chủ yếu từ việc nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Nhưng ở hiện tại, tình hình căng thẳng gia tăng trên quy mô toàn cầu đã thúc đẩy dòng tiền đầu tư vào cả vàng lẫn đồng USD. Chuyên gia này nhận định chính sự không chắc chắn về triển vọng nền kinh tế lẫn tình hình dịch bệnh có thể sẽ giúp củng cố giá vàng. Bà cũng lưu ý rằng kim loại quý này đang đối mặt với mức kháng cự kỹ thuật quanh mức 1.765 USD/ounce. Nhu cầu mua kim loại quý cũng tăng ở các trung tâm hàng đầu châu Á khi các nền kinh tế tại đây gỡ bỏ các lệnh hạn chế và phong tỏa.

Theo Joshua Graves, chiến lược gia tại RJO Futures ở Chicago, rất khó để khẳng định giá vàng sẽ tiếp tục lên cao trong thời gian tới khi xu hướng giá đã đi ngang trong vài tuần qua, theo Investing.

Còn ông Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management, nhận định cả vàng và bạc là những kim loại quý tiếp tục phản ứng tích cực đối với các gói kích thích, đặc biệt những nhận định gần đây của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khẳng định sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể.

Trong nước, chốt phiên tuần qua, giá vàng Âu Vàng Phúc Long/SJC được Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết ở mức 48,50 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,80 triệu đồng/lượng (bán ra). Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng Âu Vàng Phúc Long/SJC được Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết ở mức 48,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,80 triệu đồng/lượng (bán ra).

Hiện giá vàng SJC đang neo ở ngưỡng, 48,450 - 48,850 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), mức mua vào giữ nguyên, trong khi mức bán ra được thu hẹp, giảm 50.000 đồng/lượng so với mức 48,900 suốt những ngày cuối tuần qua.

Rồng vàng Bảo Tín Minh Châu đang được niêm yết với mức 47,630 - 48,230  triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm