pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giá vàng "sáng giảm, chiều tăng", Ngân hàng Nhà nước thông báo đấu thầu vàng miếng lần thứ 6
Ảnh minh hoạ
Sáng 14/5: Đấu thầu vàng miếng lần thứ 6
Theo thông báo từ Ngân hàng Nhà nước, phiên đấu thầu vàng miếng lần thứ 6 sẽ tổ chức vào sáng 14/5, để tăng cung cho thị trường.
Giá tham chiếu để doanh nghiệp đặt cọc là 88 triệu đồng một lượng. Mức giá tham chiếu này hiện đắt hơn 500.000 đồng một lượng so với giá SJC mua vào từ người dân chiều 13/5 và thấp hơn 2 triệu đồng so với giá bán ra. Giá sàn để doanh nghiệp bỏ thầu sẽ được công bố ngay trước phiên đấu thầu ngày mai.
Trong phiên đấu thầu lần thứ 6 này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thay đổi về số lượng tối thiểu và tối đa doanh nghiệp được phép đặt cọc. Theo đó, lượng tối thiểu doanh nghiệp có thể đặt thầu giảm từ 700 lượng xuống còn 500 lượng. Mức mua tối đa là 4.000 lượng, gấp đôi so với ngưỡng 2.000 lượng trước đó. Sự điều chỉnh này, dự kiến có thể khuyến khích nhiều đơn vị tham gia đặt thầu hơn.
Như vậy, sau khi nhiều công ty vàng và chuyên gia ý kiến về việc khối lượng tối thiểu đặt thầu lên đến 1.400 lượng là quá cao, cũng như nhiều phiên đấu thầu bị hủy vì chỉ có 1 - 2 đơn vị tham gia, trong hai phiên đấu thầu gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh đáng kể trong quy chế đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường.
Thời gian vừa qua, 5 phiên gọi thầu được Ngân hàng Nhà nước tổ chức với mục đích tăng cung ra thị trường, hạ nhiệt giá vàng miếng so với thế giới. Tuy nhiên, các phiên thầu được đánh giá là chưa thành công. Ở 5 phiên trước đó, Ngân hàng Nhà nước mới bán ra tổng cộng 6.800 lượng vàng.
Sáng giảm, chiều tăng, người dân… đứng ngồi không yên
Về diễn biến giá vàng, chiều 13/5, giá vàng lại vọt lên. Từ chỗ giảm về 88,5 triệu đồng/lượng vào sáng nay, chiều nay giá bán vàng miếng tại Công ty SJC đã tăng thêm 1,5 triệu đồng/lượng, lên mức 90 triệu đồng/lượng.
Đáng chú ý là giá mua vào tăng đến 2 triệu đồng/lượng, lên mức 87,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua - bán còn 2,5 triệu đồng/lượng.
Theo ghi nhận, do nhu cầu mua khá đông, Công ty SJC vẫn giới hạn số lượng mua mỗi ngày ở mức 2 lượng/ngày với vàng miếng và 3 chỉ/ngày với vàng nhẫn 9999.
Dù giá vàng "nhảy múa" nhưng người dân vẫn đến các điểm giao dịch, cửa hàng vàng rất đông. Thậm chí, tại nhiều nơi, khách phải bốc số, ghi tên và ngồi chờ nhân viên đọc theo thứ tự. Thời gian chờ của mỗi người lên đến cả tiếng đồng hồ nên khách nhấp nhổm khi thấy giá vàng liên tục tăng.
"Sáng nay thấy giá vàng bắt đầu giảm nên tôi tranh thủ đi mua. Tuy nhiên, ngồi chờ càng lâu, giá vàng miếng lại nhích tăng trở lại, tăng vọt là đằng khác", bà Bùi Thị Hiền (phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội) chia sẻ.
Chiều 13/5, một số khách hàng đến giao dịch và khi thấy vàng miếng bật tăng thì đã chuyển sang mua vàng nhẫn vì hiện vàng nhẫn 9999 chênh lệch thấp so với giá vàng thế giới quy đổi.
Trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.
Trong báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ việc quản lý thị trường vàng. Ủy ban Kinh tế nhận định thị trường vàng có nhiều biến động, chỉ số giá vàng trong nước bình quân 4 tháng đầu năm tăng 20,8% so với cùng kỳ khi giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục.
Có ý kiến cho rằng ngoài yếu tố biến động tình hình kinh tế thế giới và bất ổn địa chính trị, một số hạn chế trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ đã hình thành thị trường ngầm (giao dịch mà không có sự kiểm soát, thống kê của Nhà nước) về giao dịch vàng, ngoại tệ từ lâu với quy mô giao dịch lớn, phức tạp và khó kiểm soát.
Còn theo Bộ Công an, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng vào Việt Nam, gia tăng hoạt động tội phạm, gây bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội, ảnh hưởng an ninh tiền tệ, nhất là các tỉnh biên giới.