"Gia vị ngọt ngào" của hôn nhân

Kim Anh
17/07/2025 - 10:21
"Gia vị ngọt ngào" của hôn nhân

Ảnh minh họa

“Có người hỏi tôi, ngoài 30 tuổi rồi mà vẫn điệu đà, nhõng nhẽo với chồng không thấy kỳ à? Nhưng với tôi, đó là điều rất tự nhiên”, chị Lê Trần Hoài Phương chia sẻ.

Tôi "điệu" vì chồng thích tôi như thế

Chị Phương kể: Vợ chồng cưới nhau đã hơn 3 năm nhưng mỗi lần gọi chồng, giọng tôi vẫn cứ véo von: "Chồng yêu ơi!". Hoặc tôi thích nói tông giọng nhẹ nhàng, nũng nịu: "Em đói quá, chồng yêu nấu mì cho em đi?", những câu nói tưởng chỉ có ở đôi đang yêu.

Với chị, đó không phải là "diễn sâu" như người ngoài vẫn nghĩ. Đó là một phần trong ngôn ngữ tình yêu giữa vợ chồng chị. Chồng chị không phản đối mà còn thích thú, thậm chí tỏ ra "thiếu vắng" khi vợ bỗng dưng đổi tông giọng nghiêm nghị. "Tôi điệu không vì muốn được ai chú ý mà bởi chồng tôi mỉm cười khi thấy điều đó. Với tôi, chỉ cần như vậy là đủ", chị Phương cho biết.

Tôi "điệu" vì được là chính mình

Với các mối quan hệ ngoài xã hội, chị Phương là một người nghiêm túc, chỉn chu, nhưng khi ở bên chồng, chị chọn cách "buông vai", thả lỏng mình trong tình yêu của chồng.

"Ở bên chồng, tôi không phải nhân viên gương mẫu. Tôi chỉ là một người vợ muốn được yêu, được cưng chiều một chút", chị Phương tâm sự.

Có lần, nghe lời vài người bạn, chị Phương thử ít nói lại, bớt nũng nịu nhưng chỉ mới nửa ngày không nhắn tin, gọi video như mọi khi, chồng chị đã gọi lại, giọng thắc mắc: "Em làm sao đấy? Em hết yêu anh rồi à?". Chị Phương vui vẻ: "Tôi bật cười. Hoá ra điều mà người khác thấy kỳ kỳ, lại chính là ngôn ngữ hạnh phúc riêng của vợ chồng tôi".

Tôi "điệu" vì vợ chồng yêu theo cách đó

Nhiều người bảo: "Ngoài 30 tuổi rồi mà nhõng nhẽo như trẻ con" nhưng chị Phương không thấy ngại vì điều đó. Với chị, hôn nhân là chuyện của hai người, miễn là cả hai thấy vui, thấy thoải mái thì không cần diễn hay giấu giếm.

"Gia vị ngọt ngào" của hôn nhân- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

"Chồng bảo tôi: Em mà không điệu thì anh lại thấy thiếu thiếu. Vậy nên tôi không cần thay đổi để làm hài lòng người khác", chị Phương nói.

Chị nhận ra các mối quan hệ xung quanh mình, có nhiều cặp đôi rơi vào sự khô khan, quá nghiêm túc. Nhưng chị thì khác: "Tôi chọn giữ lại sự mềm mại, một chút dịu dàng, một chút trẻ con, để vợ chồng không biến thành hai người bạn cùng phòng. Chúng tôi vẫn là một đôi đang yêu".

Tôi "điệu" để giữ lửa yêu thương mỗi ngày

Với chị Phương, sự điệu đà, nhõng nhẽo vừa là niềm vui cá nhân vừa là một chiến lược yêu thương. Như việc nêm chút mì chính vào món canh, không ai bắt buộc cả nhưng nếu chồng thích vị ngọt thì chị Phương sẵn sàng nấu theo.

Chị kể: "Chồng tôi hay đi công tác xa. Những bữa cơm một mình anh ngoài quán, tôi không thể ngồi ăn cùng nhưng vẫn gọi video, vừa trò chuyện vừa đùa: "Anh ăn đi, ăn nhiều mới có sức mà nhớ vợ". Những điều tưởng như nhỏ nhặt như lời chào buổi sáng, câu nhắc nhớ nhẹ nhàng, được chị Phương giữ đều đặn như "gia vị" cho hôn nhân.

Tôi "điệu" là cách tôi yêu

Có người cho rằng chị Phương "diễn sâu", "làm màu". Cuộc sống hôn nhân đã cho chị thấy rằng, tình yêu có thể là những hành động lớn lao nhưng cũng là những chi tiết rất nhỏ, rất đời thường. "Tôi điệu không để gây chú ý. Tôi điệu là vì đó là cách tôi yêu, dịu dàng, vui vẻ và đầy cảm xúc", chị Phương tâm sự.

Có những lúc vợ chồng giận nhau, hiểu lầm nhưng chính tông giọng nhõng nhẽo quen thuộc, câu gọi "chồng yêu ơi" thường ngày lại giúp chị Phương và chồng làm hoà nhanh hơn.

Hôn nhân với chị Phương không phải là gồng mình sống theo tiêu chuẩn của người khác mà là tìm ra cách yêu khiến cả hai hạnh phúc. Và "điệu" chính là cách chị Phương chọn làm "gia vị" để giữ lửa hôn nhân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm