pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giá xăng, dầu tăng mạnh từ chiều 21/9 sau khi giá dầu thế giới liên tục tăng
Ảnh minh họa
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với dầu madút; chi sử dụng Quỹ Bình ổn đối với 02 mặt hàng xăng, dầu điêzen, dầu hỏa.
Cụ thể, sau khi thực hiện việc không trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 24.197 đồng/lít (tăng 726 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.551 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 25.748 đồng/lít (tăng 877 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 23.594 đồng/lít (tăng 539 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành);
- Dầu hỏa: không cao hơn 23.816 đồng/lít (tăng 628 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 17.847 đồng/kg (tăng 143 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).
Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trên thế giới, giá dầu Brent tăng phiên thứ 4 liên tiếp, hiện vượt 95 USD một thùng - mốc cao nhất 10 tháng. Mỗi thùng dầu WTI hiện tăng giá 1,4% lên 92,8 USD.
Giá cả hai loại dầu này đều đã tăng 4 phiên liên tiếp, hiện ở đỉnh 10 tháng. Nguyên nhân là sản lượng dầu đá phiến Mỹ giảm sút, làm dấy lên lo ngại thiếu hụt trong bối cảnh hai nước sản xuất lớn là Arab Saudi và Nga siết nguồn cung ra thị trường.