pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giải "Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái"
Giải chạy do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Chính phủ Australia. Giải chạy dự kiến thu hút sự tham gia của hàng trăm sinh viên đến từ nhiều trường Đại học tại Hà Nội, bao gồm Đại học Bách Khoa Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đại học Y Hà Nội. Sự tham gia của các bạn sinh viên trong sự kiện này góp phần nêu cao vai trò và trách nhiệm chung của thế hệ trẻ trong việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Giải chạy là một trong những hoạt động hướng ứng "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới".
Giải chạy cũng mở đơn đăng ký rộng rãi cho tất cả mọi đối tượng, bao gồm những ai đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung. Các cá nhân quan tâm và mong muốn tham gia có thể đăng ký với Ban Tổ chức trước ngày 15 tháng 11 năm 2022.
Theo Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 do Chính phủ ban hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm triển khai "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới" hàng năm từ ngày 15/11 đến ngày 15/12.
Theo kết quả của cuộc Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam năm 2019 được thực hiện bởi Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Chính phủ Úc, cứ ba phụ nữ thì có hai người (63%) từng bị bạo lực thể chất, tình dục, tinh thần và/hoặc kinh tế bởi chồng trong đời.
Thêm vào đó, hầu hết phụ nữ (chiếm 90,4%) đã từng trải qua bạo lực về mặt thể chất bởi chồng/bạn tình không hề tìm kiếm sự giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ chính thức hoặc chính quyền và một nửa trong số đó chưa bao giờ tiết lộ với ai về tình trạng bạo lực của mình. Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới đã gây ra những tổn thất về kinh tế tương đương 1.8% GDP hàng năm của Việt Nam.