“Giải mã” những vụ án tình kinh hoàng

07/05/2017 - 07:00
Các chuyên gia cho rằng, những vụ án tình xảy ra liên tục trong thời gian gần đây là hậu quả từ những mỗi quan hệ vội vàng và tạm bợ. Có thể người trong cuộc ngộ nhận về khái niệm tình yêu để rồi phải trả một cái giá rất đắt.
Quan hệ tạm bợ dễ coi thường nhau

GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, cho rằng: xã hội ngày nay phát triển, nhiều người bao biện rằng, sống thử là lối sống hiện đại. Cứ “thử” trước nếu hợp thì “thật” luôn, nếu không đường ai nấy đi. Nhiều đôi thậm chí sống với nhau đến lúc sinh con nhưng vẫn lý luận theo kiểu, sống thế để không phải ràng buộc, không mất thời gian làm giấy tờ, nếu có ly hôn cũng đơn giản, không phải ra tòa, không phải chia chác tài sản…
02.jpg
GS.TS Lê Thị Quý 
Viện trưởng Lê Thị Quý phân tích: Cái gì tạm cũng nghĩa là giải pháp tình thế. Ăn tạm nghĩa là không phải bữa ăn chính, ăn không cần no, ăn vội vàng, chống đói. Ngủ tạm bợ nghĩa là vỉa hè, bờ ruộng, ngả lưng cho qua giấc ngủ khi có công việc gấp. Ở tạm bợ nghĩa là chấp nhận căn phòng nào cho qua để chờ khi có nhà đàng hoàng… Quan hệ với nhau tạm bợ cũng vậy, không thể nào bền vững, lâu dài. Người ta sống thử, nghĩa là sống tạm, không tính đến sự lâu dài, không có trách nhiệm mà chỉ để thỏa mãn ý thích nhất thời. Quen lối sống tạm bợ như thế thì người ta dễ coi thường lẫn nhau, coi thường gia đình, coi thường sự bền vững và chuẩn mực của gia đình, của truyền thống dân tộc. Coi thường nên dễ dẫn đến việc xúc phạm, xâm hại lẫn nhau.

Theo Viện trưởng, những vụ án tình xảy ra trong thời gian gần đây đều có một mô típ na ná nhau: 2 người gặp nhau, nhanh chóng yêu nhau, nhanh chóng dọn về ở với nhau không hôn thú rồi xẩy ra chuyện. Việc quá vội vàng đến với nhau như vậy, chưa kịp tìm hiểu, chưa hiểu hết về nhau sẽ dẫn đến những xung đột, thậm chí xảy ra án mạng.

Bình luận về những vụ án tính, Viện trưởng nói: “Tôi phản đối trước sự biện minh của một số kẻ rằng do cảm tính, do bột phát nóng nảy không kìm chế được bản thân nên dẫn đến hành vi sai lầm, giết hại người từng má ấp môi kề với mình. Thực ra hành vi đó xuất phát từ nhận thức quá thấp kém, trình độ quá hạn chế và vô đạo đức”.

Vụ lợi, thực dụng ngụy trang bằng “tình yêu”

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, xã hội bây giờ cởi mở hơn trước rất nhiều, quan niệm về tình yêu, tình dục cũng… rất thoáng. Tuy nhiên, rất nhiều cặp sống với nhau được ngụy trang bằng cái gọi là “tình yêu” nhưng thực chất không phải. Trong bối cảnh xã hội bây giờ tính vụ lợi và thực dụng được đề cao quá mức, nhiều cặp đôi đến với nhau bằng sự thực dụng, có mục đích chứ vốn dĩ chẳng có tình yêu nào cả. Mối quan hệ có mục đích như vậy sẽ không thể bền vững.
pgsts-trinh-hoa-binh-1.jpg
PGS.TS Trịnh Hòa Bình 
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, phụ nữ rất dễ mềm yếu và trong quan hệ tình cảm nhiều khi thiếu sự tỉnh táo. Khi tình cảm bị đặt nhầm chỗ, phải trả giá rất đắt mới nhận ra thì đã quá muộn.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh: “Thứ tình cảm được gọi là tình yêu mà chỉ đến khi “thiếu đói” (tinh thần, tình dục hoặc vật chất) thì nó sẽ sớm sụp đổ, vụt tắt. Khi sa vào những mối quan hệ kiểu ấy thì rất dễ phải trả giá. Với phụ nữ, đây là bài học đáng lưu tâm bởi họ thường là những người chịu thua thiệt trong các mỗi quan hệ này”.

Xem nhẹ các rào cản đạo đức

Đồng quan điểm trên, PGS. TS Đỗ Hạnh Nga, Khoa Tâm lý - ĐH KHXH&NV thành phố HCM, nói: Bây giờ những rào cản về đạo đức không được xem trọng như trước. Trước đây ly hôn, kết hôn phải cân nhắc hơn nhiều, bây giờ xã hội cởi mở, tình yêu và quan niệm về tình yêu rất cởi mở. Người ta có thể dễ dàng yêu rồi đến với nhau, sống thử với nhau mà không xem đó là việc làm trái đạo đức. Khi quan niệm về tình yêu, tình dục “thoáng” như vậy đương nhiên tính gắn kết, bền vững sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.
a19_cesp.jpg
Những vụ án giết người do ghen tuông thường bộc phát nên rất khó phát hiện. Ảnh minh họa: Internet
Xu hướng xã hội bây giờ là sống thoáng, điều đó nhiều khi dẫn đến việc quan hệ nam nữ dễ dãi và làm lấn át rào cản, phạm trù đạo đức. Không ít sinh viên, công nhân khi xa nhà, đến nơi phố thị, họ không chịu sự giám sát của gia đình, làng xóm, lập tức họ thay đổi, sống thoải mái, yêu thoải mái theo kiểu trào lưu.

GS.TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát (Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an) chỉ rõ: Hành vi bộc phát dẫn tới những vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm trong sinh hoạt gia đình không chỉ là biểu hiện nhất thời mà đã tích tụ trong một thời gian dài. Bên cạnh đó có vấn đề đạo đức xuống cấp, việc giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống không được đề cao dẫn tới khi xảy ra xung đột, dù là xung đột nhỏ nhưng hậu quả họ gây ra lại rất lớn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm