"Giải mã" xu hướng học sinh nữ cầm đầu các nhóm đi bắt nạt

08/02/2018 - 13:08
Trước đây, nói đến bạo lực học đường thường là việc học sinh nam đánh nhau. Tuy nhiên, cô giáo Bùi Thị Ngọc Thủy (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định) cho biết, những năm gần đây, các bạn nữ thường cầm đầu các nhóm đi bắt nạt.
Cô giáo Bùi Thị Ngọc Thủy: Xu hướng các bạn nữ cầm đầu các nhóm đi bắt nạt ngày càng tăng

Nói về bạn nữ “cai khối” (người chuyên cầm đầu các nhóm đi bắt nạt các bạn trong trường) Nguyễn Đức Minh (THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định) cho biết, các bạn trong lớp, kể các bạn nam đều “né” bạn này. Thế nhưng, bạn lớp trưởng vì làm tròn “bổn phận” của mình là “mách tội” trốn học của bạn nữ đó cho cô giáo nên đã trở thành nạn nhân.

Khi bị cô giáo đình chỉ học tập, bạn nữ đó đã chửi lớp trưởng bằng những lời vô cùng tục tĩu. Lúc tan trường, bạn nữ “trùm sỏ” cùng với đội quân của mình đứng trước cổng trường “xử” lớp trưởng. Hôm sau, bạn lớp trưởng đã không dám đến lớp. Sự việc chưa dừng lại ở đó, những trận đánh vẫn tiếp diễn khiến bạn lớp trưởng đã phải chuyển trường.

Theo cô giáo Bùi Thị Ngọc Thủy (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Nam Định), bạo lực học đường trước đây thường chỉ ở mức trêu chọc, tẩy chay bạn, không có nhiều vụ đánh nhau và nếu xảy ra đánh nhau cũng không tàn bạo như bây giờ. Bây giờ hình thức bạo lực học đường ngày càng tinh vi, sử dụng mạng xã hội để bạo lực tinh thần và đặc biệt, các bạn nữ thường cầm đầu các nhóm đi bắt nạt. Các em đánh nhau có tổ chức và thường gọi nhóm bạn để đe dọa các bạn.

Thạc sỹ Vũ Thu Hà: Cha mẹ cần trang bị nội lực cho con để tránh bạo lực học đường

Giải mã việc các bạn nữ “lên ngôi” trong bạo lực học đường, thạc sỹ, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà (trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) cho biết, trước đây, do trẻ em gái không được đi học, không được đầu tư còn giờ đây trẻ em gái và trai được đầu tư, đào tạo giống nhau. Các bạn nữ thể hiện bản thân giống như các bạn trai. . Còn theo cô Bùi Thị Ngọc Thủy, đó là do xuất phát từ tâm sinh lý vị thành niên của các bạn nữ. Do các bạn nữ thay đổi cách nghĩ, hành vi, cảm xúc, mong muốn, thể hiện bản thân, vai trò quyền lực, nêu ý kiến, nhu cầu được lắng nghe nhiều hơn và cách thể hiện như vậy thể hiện ra ở bạo lực.

"Lứa tuổi dễ bị bạo lực học đường là từ 12 đến 14. Làm thế nào để tác động các em trong lứa tuổi khủng hoảng? Bố mẹ, giáo viên, người lớn tác động đến các em khó mà các em chỉ nghe các bạn hơn tuổi mình. Muốn giải quyết cái gốc của bạo lực học đường, cần trang bị nội lực cho học sinh. Đây là vấn đề hết sức cần thiết, các em tự trang bị cho bản thân mình thế nào là bạo lực học đường để tránh việc bị bắt nạt và đi bắt nạt người khác"- cô Ngọc Thùy chia sẻ.

ThS Vũ Thu Hà cho rằng, cha mẹ cần trao đổi, chia sẻ với con về các kỹ năng giải quyết vấn đề, ra quyết định, kỹ năng chịu trách nhiệm. Khi con gây ra tổn thương nào đấy thì con phải chấp nhận bị phạt. Thế nên, con không được phép sử dụng bạo lực mà cần có những cách giải quyết bằng mặt kỹ năng. Cha mẹ luôn luôn phải lưu ý với con, phải nói không với bạo lực vì nó rất nguy hiểm sau này. Bởi, đôi khi câu chuyện của các con rất nhỏ nhưng bạo lực có thể gây ra tổn thương, thậm chí có thể dẫn tới những cái chết thương tâm. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm