pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giải pháp bảo đảm sinh kế cho người lao động sau thiên tai

Ảnh minh họa
Trao đổi tại buổi tọa đàm với chủ đề "Giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động sau thiên tai" được tổ chức mới đây, TS. Hoàng Mạnh Hùng, giảng viên ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp - Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng tái thiết sản xuất sau thiên tai không phải việc một sớm một chiều. Do đó, tạo việc làm tạm thời và thu nhập thay thế cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng. "Việc đào tạo nghề ngắn hạn là cần thiết để hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, đào tạo phải được làm thường xuyên và phải xem xét ở từng vùng miền, bám vào nhu cầu của thị trường lao động tại khu vực đó", TS. Hoàng Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Để giúp người lao động đảm bảo sinh kế sau thiên tai, TS. Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, cần chủ động ứng phó trước, trong và sau thiên tai; đồng thời, nâng cao năng lực chống thiên tai, gồm: hạ tầng và kỹ năng, hỗ trợ, khuyến khích người nông dân khôi phục sản xuất sau thiên tai.

Người dân thôn Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai
Một trong những giải pháp hữu hiệu được các nhà quản lý, chuyên gia đề cao là hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất. Theo ông Đặng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội, để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai khôi phục sản xuất, Ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình gói vay. Các đối tượng chính được hướng đến là hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh viên, người lao động tự do… NHCSXH đã có quyết sách kịp thời như giảm lãi suất 2% đối với các đối tượng đang nợ. Đối với các hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, NHCSXH thực hiện gia hạn nợ, không thu lãi, làm hồ sơ quản lý rủi ro… Đối với một số nơi đặc thù như những địa phương thường xuyên bị lũ lụt, NHCSXH phối hợp với đoàn thể địa phương tuyên truyền để bà con có định hướng vay vốn sản xuất kinh doanh.
Bà Lưu Ánh Nguyệt (Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính) cho rằng, để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Việt Nam đã và đang huy động đa dạng các nguồn lực tài chính. Trong đó, phải kể đến bảo hiểm rủi ro thiên tai, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô… Bảo hiểm rủi ro thiên tai được xem là phù hợp với loại thiên tai ít khi xảy ra nhưng để lại hậu quả lớn. Bà Lưu Ánh Nguyệt lưu ý, để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm, doanh nghiệp, người dân khi tham gia cần đọc kỹ các nội dung, điều khoản trong bảo hiểm để tránh bị tình trạng từ chối thanh toán bảo hiểm.
Về bảo hiểm nông nghiệp, bà Lưu Ánh Nguyệt cho biết, loại hình bảo hiểm này được phát triển từ sớm. Sau nhiều năm triển khai đã phát huy hiệu quả, thu hút được nhiều người tham gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh có nhiều thay đổi, bà Lưu Ánh Nguyệt cho rằng cần mở rộng phạm vi tham gia bảo hiểm; giảm mức phí; tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân tham gia nhiều hơn…
Trao đổi với phóng viên Báo PNVN, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, trong năm 2025, nước ta sẽ phải đối diện với diễn biến cực đoan của tình hình thời tiết. Nhiệt độ tại nhiều khu vực có thể vượt ngưỡng trung bình nhiều năm. Đặc biệt, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ được dự báo sẽ chịu những đợt nắng nóng gay gắt. Ngoài tình trạng nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn cũng sẽ là những thách thức lớn trong năm 2025. Dự báo, các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ tình trạng thiếu nước, gây tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân.
Dự báo trong năm 2025, nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều đợt mưa lớn cục bộ, đặc biệt tại các khu vực vùng núi và đô thị. Những đợt mưa này có nguy cơ gây ra ngập úng nghiêm trọng, lũ quét và sạt lở đất, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Bên cạnh mưa lớn là sự gia tăng về số lượng và cường độ của các cơn bão, bao gồm cả siêu bão.