Giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"

PV
29/11/2024 - 12:35
Giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"

Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam tổ chức giải Việt dã nữ Pou Sung năm 2024 chào mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10

Thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, hàng năm, công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) - công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài - tổ chức triển khai phong trào cho nữ công nhân, lao động tích cực tham gia và coi đây là điều kiện thuận lợi để tập hợp lao động nữ công ty tham gia phong trào trên tất cả các lĩnh vực, vị trí công tác.

Theo ông Lê Nhật Trường - Chủ tịch Công đoàn - cơ sở Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam, để tổ chức hiệu quả phong trào thi đua, CĐCS công ty đã xây dựng và cụ thể hóa nội dung, tiêu chuẩn phù hợp với đặc trưng công nhân, lao động (CNLĐ) nữ trong doanh nghiệp như: Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội qui của doanh nghiệp; quy định của địa phương nơi cư trú; tích cực tham gia các hoạt động của công đoàn cơ sở tại đơn vị, doanh nghiệp; Hoàn thành tốt công việc được giao; Tích cực học tập nâng cao trình độ tay nghề; Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, không có bạo lực gia đình, nuôi dạy con khỏe, ngoan. Hàng năm, có khoảng 20% nữ CNLĐ công ty thực hiện tốt các tiêu chí trên và đạt danh hiệu thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Thông qua phong trào, vai trò, năng lực của nữ CNLĐ trong doanh nghiệp ngày càng được khẳng định và phát huy mạnh mẽ theo tiêu chí của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới.

"Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cơ bản thuận lợi do được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời từ Công đoàn cấp trên, sự hưởng ứng tích cực của tập thể nữ CNLĐ. Đặc biệt, được sự đồng thuận và phối hợp của lãnh đạo công ty, luôn tạo điều kiện về mặt thời gian, kinh phí và hỗ trợ nhân lực để cùng CĐCS thực hiện các hoạt động nữ công trong CNLĐ đã góp phần mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như người lao động" - ông Lê Nhật Trường cho hay.

Giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” - Ảnh 1.

Công đoàn cơ sở công ty tổ chức nhiều phong trào đa dạng, thu hút đoàn viên như Hội thi "Giọng hát hay Pou Sung" năm 2024

Bên cạnh những thuận lợi trên, ông Lê Nhật Trường cho biết trong quá trình tổ chức triển khai phong trào, CĐCS công ty cũng gặp phải một số khó khăn như: Tính đến tháng 9/2024, CĐCS Công ty có 17.891 đoàn viên trong đó nữ chiếm 80%. Với số lượng nữ CNLĐ quá lớn mà phần đông lao động nhập cư, nên đôi khi họ chỉ quan tâm đến công việc và thu nhập để có tích lũy phụ giúp gia đình, chưa tích cực tham gia các hoạt động phong trào, chưa tích cực học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, nhận thức chưa đầy đủ về chính sách pháp luật và ý thức tác phong công nghiệp còn hạn chế nên phần nào cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của phong trào.

Để tổ chức triển khai hiệu quả phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" trong nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, bằng kinh nghiệm đã triển khai, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam cho rằng Công đoàn cần đề ra các giải pháp thực hiện như sau:

Thứ nhất, phải tạo được sự ủng hộ từ lãnh đạo doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần có các chương trình hỗ trợ như thời gian làm việc linh hoạt, hỗ trợ chế độ nuôi con nhỏ, lao động nữ mang thai và các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho nữ công nhân lao động. Hình thức, nội dung đào tạo phù hợp với nhu cầu của lao động nữ tại đơn vị.

Thứ hai, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” không thực hiện riêng lẻ, mà cần gắn với các phong trào thi đua khác của đơn vị. Chẳng hạn như ở Công ty Pousung, các phong trào thi đua luôn được triển khai cụ thể thành những tên gọi, tiêu chí riêng như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, thi đua “Danh hiệu lao động ưu tú”, danh hiệu “Công nhân siêu cấp”, … từ đó có sự có sự tác động qua lại tích cực và đạt hiệu quả quả tốt. 

Giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” - Ảnh 2.

Chương trình "Bữa cơm Công đoàn" được chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam

Thứ ba, làm tốt công tác tuyên truyền các nội dung của phong trào thi đua, cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, đồng thời phải có những hình thức động viên, khích lệ gắn với quyền lợi cụ thể của lao động nữ, để tạo được sự hưởng ứng tích cực tham gia của nữ CNLĐ.

Thứ tư, CĐCS và doanh nghiệp cần quan tâm đến các chế độ, chính sách lao động nữ. Chú trọng các buổi đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người lao động để có chính sách hợp lý nhằm xây dựng môi trường làm việc hài hòa, văn minh, cùng phát triển.

Thứ năm, CĐCS cần thực hiện tốt công tác phân công, theo dõi, giám sát và đánh giá quá trình thực hiện phong trào thi đua; tổ chức các buổi kiểm tra, đánh giá kết quả và điều chỉnh kịp thời các nội dung chưa hợp lý, để đảm bảo phong trào luôn đi đúng hướng và đạt được mục tiêu đề ra.

Thứ sáu, cần xây dựng chính sách xã hội phù hợp từ phía nhà nước. Nhà nước cần xây dựng các chương trình hỗ trợ nữ công nhân lao động như giáo dục, y tế và bảo hiểm, giúp họ có điều kiện sống và làm việc tốt hơn.

Thứ bảy, nên thay đổi cụm từ “giỏi việc nước” thành một cụm từ khác dành cho lao động nữ khu vực ngoài nhà nước để người lao động cảm thấy gần gũi hơn với danh hiệu và cũng dễ dàng cho việc phát huy phong trào sâu rộng trong công nhân lao động.

Thứ tám, hàng năm CĐCS phối hợp chủ doanh nghiệp có chính sách tuyên dương, khen thưởng kịp thời những thành tích trong công tác chuyên môn và phong trào thi đua, tạo động lực cho công nhân lao động, đặc biệt lao động nữ phát huy sáng kiến trong công việc, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, để phong trào thi đua đạt hiệu quả, cần có các tiêu chí đánh giá rõ ràng và cụ thể cho danh hiệu thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” như: đánh giá dựa trên hiệu quả và chất lượng công việc, làm việc chăm chỉ, chấp hành kỷ luật lao động; Tham gia đầy đủ các hoạt động do công đoàn, do nhà máy tổ chức và có các thành tích cao, khuyến khích sự tham gia tích cực của nữ công nhân vào các hoạt động xã hội và cộng đồng; đánh giá mức độ gắn kết và tinh thần hỗ trợ đồng nghiệp, là điểm sáng trong quá trình thực hiện các công việc nhân đạo, nghĩa tình trong doanh nghiệp; Chăm sóc phụng dưỡng tốt bố mẹ người thân. Con cái có kết quả học tập khá giỏi, ngoan ngoãn, gia đình hạnh phúc; Có nhiều sáng kiến, đề án sáng tạo được nhà máy công nhận và áp dụng vào sản xuất; Đạt được những tiêu chí đánh giá của nhà máy trong các cuộc thi và được nhà máy vinh danh 

Có thể nói, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” là một phong trào ý nghĩa và hết sức quan trọng trong việc phát triển, khẳng định vai trò của nữ công nhân lao động ngoài khu vực nhà nước. Để phong trào đạt hiệu quả cao, các cấp Công đoàn, đặc biệt là Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có những giải pháp cụ thể và thiết thực, cùng với sự chung tay của doanh nghiệp, các cấp công đoàn và chính quyền chuyên môn và toàn xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm