pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giàn chanh leo thơm lừng của bà nội và “tung tích” bí ẩn của tờ 500 đồng
Năm tôi 7 tuổi, bà nội đột ngột qua đời sau một trận ốm nặng. Bà yêu thương chiều chuộng tôi nhất nhà nên mất bà là một cú sốc vô cùng lớn với tôi. Quãng thời gian ngắn ngủi có bà ở bên, với tôi chính là những kỷ niệm ấu thơ đẹp nhất.
Bố mẹ ngày xưa đi làm toàn để tôi ở nhà cho ông bà nội trông. Tôi thường chơi ở khoảng sân rộng trước cửa nhà, chỗ ấy có giàn chanh leo siêu to rậm rạp do chính tay bà nội chăm sóc.
Ông nội kể chẳng biết cây chanh leo mọc bám vào cổng từ lúc nào. Thấy nó lớn nhanh quá nên bố tôi làm cái giàn tre cho nó leo. Chẳng mấy mà chiếc sân đã rợp bóng râm, những dây chanh leo tươi tốt phủ kín sang tận tường nhà hàng xóm.
Lần đầu tiên nhìn thấy hoa chanh leo, tôi đã mất cả một buổi sáng đem khoe với lũ trẻ trong xóm. Đứa nào đứa nấy mắt tròn như bi ve, trầm trồ ngắm bông hoa to đùng màu trắng xen tím biếc. Trong thế giới tuổi thơ của tôi không có bông hoa nào đẹp như hoa chanh leo. Ngoài mấy cánh hoa to thì nó còn có những chiếc tua nhỏ xoăn xoăn rất lạ mắt, tôi toàn vặt hết ra để chơi đồ hàng “nấu mì tôm”.
Cứ đến mùa sắp đậu quả là giàn chanh leo đầy bướm và ong mật bay quanh. Tôi vẫn nhớ tay bà phảng phất thơm mùi hoa chanh, bà sợ những chú ong không nhìn thấy hoa bị đống lá to che khuất nên kì công bắc ghế lên vặt bớt lá rồi kéo hoa ra ngoài.
Chờ chanh leo chín thơm nức mũi là bà đem chiếc rổ mây ra cắt xuống. Tôi háo hức ngồi đợi bà pha chanh, thích nhất là khoảnh khắc trái chanh vỏ tím tròn xoe tách làm đôi rồi một dòng suối hạt vàng ươm mọng nước tuôn ra như mật ngọt. Cầm thìa xúc hết hạt vào cốc, cho chút đường đá rồi đổ nước vào ngoáy lên. Ôi nhớ đến lại thấy thèm!
Mùi chanh leo thơm mát đọng mãi trong ký ức của tôi. Thế nhưng tôi nhớ đến nó còn vì một câu chuyện khác, đó là bài học cuộc sống đầu tiên mà bà nội dạy cho tôi.
Hồi ấy mỗi lần thu hoạch chanh leo là bà nội đều chia hết cho hàng xóm. Bà chỉ giữ lại một ít trong nhà và một phần đem pha nước cho đám trẻ con. Bà để nước trong cái bình to, đứa nào muốn uống thì mang cốc sang xin thoải mái.
Trong số những đứa trẻ xin nước chanh leo của bà nội có 5 chị em nhà Ánh. Ánh hơn tôi 2 tuổi, hầu như ngày nào chị cũng dắt díu 4 đứa em sang nhà tôi chơi. Một hôm mẹ cho tôi 1000 đồng để ăn quà, tôi mua kẹo hết 1 nửa rồi còn 1 nửa tiền tôi để trên nóc tivi đen trắng. Sau khi Ánh sang chơi buổi chiều thì tự dưng tờ 500 đồng màu hồng biến mất. Tôi lục tung khắp nhà lên chẳng thấy đâu, chui cả vào chuồng con chó Mun nhưng không thấy mẩu vụn giấy nào.
Thế là tôi bực mình đứng ở cổng nhà gọi Ánh ra và quy chụp ngay cho chị hàng xóm tội ăn cắp. Ánh một mực phủ nhận chuyện ấy, chị bảo chị không thấy tờ 500 đồng nào. Chúng tôi cãi nhau theo đúng kiểu trẻ con, ầm ĩ một hồi cho tới lúc bà nội tôi ra nói chuyện. Bà bảo Ánh quay về nhà còn tôi thì ngồi góc sân hậm hực.
Tôi khoanh chặt tay vào khẳng định Ánh trộm tiền, đợi đến khi bố mẹ chị ấy đi làm về thì tôi sẽ mách. Bà nội kệ cho tôi cáu gắt. Lát sau bà mới cười và hỏi tôi có tận mắt thấy Ánh trộm tiền không. Dĩ nhiên là không, và tôi cũng chả có bằng chứng gì hết. Nhưng nhà có mỗi 2 bà cháu, sau khi Ánh tới chơi thì tờ 500 đồng biến mất. Suy diễn logic thì thủ phạm chỉ có chị ấy thôi chứ ai nữa!
Bà trìu mến xoa đầu tôi rồi chỉ nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, và cũng đừng vội nghĩ xấu họ khi chưa rõ sự thật”. Lúc ấy tôi còn bé nên chẳng hiểu lời bà dạy. Song ngay tối hôm ấy tôi xấu hổ vô cùng khi phát hiện ra tờ tiền bị rơi kẹt sau góc tủ. Vậy là Ánh bị tôi nghi oan. Bà bảo tôi phải đi xin lỗi Ánh nhưng sĩ diện trẻ con nên tôi vùng vằng không nghe lời bà.
Hơn 20 năm trôi qua tôi vẫn luôn nhớ đến chuyện ấy. Tôi không bao giờ dám vội vàng nhận xét người khác nữa và càng lớn càng thấm thía câu nói của bà nội. Tuần trước đi họp phụ huynh cho con trai, thằng bé lại rơi vào tình huống bị hiểu nhầm như Ánh ngày trước. Giờ ra chơi con tôi bị bạn ngồi cạnh vu oan lấy 10 nghìn đồng trong cặp sách. Thằng bé ra sức thanh minh rằng nó không lấy nhưng cả cô giáo lẫn bạn bè trong lớp đều không tin. May là người bạn mất tiền chợt nhớ ra 10 nghìn đồng đã đem đi mua quà vặt nên con tôi được trả lại danh dự.
Bạn nhỏ ngồi cạnh rất thẳng thắn xin lỗi con tôi và cô giáo cũng xin lỗi vì nghi ngờ thằng bé. Con trai tôi chấp nhận tất cả lời xin lỗi và vẫn vui vẻ chơi với bạn. Nghe cô giáo kể lại chuyện ấy mà tôi xúc động muốn khóc. Thật là nhớ bà nội vô cùng…