Đột nhiên biến thành người khác
Quả thật bình thường, chồng Ly rất lành. Anh ít nói, cười nhiều, tính tình hòa nhã. Ly muốn gì, thích gì, đòi hỏi gì anh cũng chiều. Thế nhưng không phải lúc nào anh cũng duy trì được trạng thái hiền lành này. Không hiểu có phải vì anh mang mệnh hỏa hay không? mà đằng sau những khoảng lặng dài yên ổn thì lâu lâu, vì một sự cố nào đó trong cuộc sống tác động, anh đột nhiên biến thành một người hoàn toàn khác với tính khí vô cùng nóng nảy, tiêu cực.
Những cơn giận không báo trước như biến anh thành một người hoàn toàn khác, vô cùng nóng nảy
Ly nhớ mãi lần đầu tiên cô gặp cơn hỏa của anh là khi hai đứa hẹn nhau đi thăm người bà con thân thiết bên nhà chồng bị ốm. Mải việc, Ly quên béng mất. Trước kia, Ly cũng từng lỡ hẹn, từng hay quên nhưng chồng không có phản ứng gì. Vậy mà chiều ấy, khi quá giờ hẹn chừng 30 phút, chồng Ly gọi điện. Qua điện thoại, anh quát cô ầm ĩ, mắng cô ra rả về tội đãng trí. Anh chì chiết cô đã coi trọng công việc hơn lời hứa với chồng. Anh quy kết là cô coi thường chồng, coi thường gia đình chồng… Anh giận dữ liên tục gần 15 phút rồi phũ phàng tắt máy, không để cho Ly chen vào giải thích hay xin lỗi. Khi anh cúp máy, Ly cứ đờ người ra vì sợ hãi, vì bất ngờ với hàng loạt câu hỏi: “Không biết người vừa gọi có đúng là chồng mình?”, “Hôm nay anh ấy gặp chuyện gì quá bất thường chăng?”, “Tại sao đột nhiên anh lại có thái độ kinh khủng như vậy?”…
Lần tiếp sau là khi mẹ Ly lỡ nói điều gì đấy làm anh phật ý. Nhiều lần trước đó Ly cũng từng chứng kiến việc anh tặc lưỡi cho qua một cách đầy cảm thông với mẹ theo kiểu: “Mẹ già rồi, trái tính trái nết cũng là đương nhiên, anh không để ý đâu”. Nhưng lần ấy, Ly lại thấy anh đùng đùng nổi giận. Anh không còn đủ bình tĩnh, sự tỉnh táo để nghĩ về sự tôn trọng cũng như đạo đức, lễ nghĩa. Anh để mặc cơn giận trào dâng. Anh đỏ mặt tía tai tuôn ra xối xả những ấm ức, bực bội về mẹ. Anh lôi hết những tính xấu của mẹ Ly ra chỉ trích lên án. Anh kể lể chi tiết những việc chưa tốt mà bà từng làm với anh để trách móc…
Những cơn giận của chồng để trong Ly những sợ hãi, tổn thươngLâu lâu, anh đi làm về rất muộn, gương mặt mệt mỏi, cau có. Khi ấy, thấy Ly làm điều gì đó anh cho là chướng tai, gai mắt thì ngay lập tức, cô sẽ phải chịu đựng sự quát mắng từ anh. Nếu Ly chấp nhận nín nhịn, để mặc anh muốn nói gì thì nói thì sẽ tạm yên. Nhưng chỉ cần cô cũng không giữ được bình tĩnh, có chút thanh minh, phản ứng lại thì ngay lập tức anh sẽ không ngần ngại phừng phừng tuôn ra rất những lời lẽ khó nghe, đầy xúc phạm, cục cằn. Có lần cao điểm của sự tức giận, anh còn vung tay, chân đập bàn, đập ghế, phá phách đồ đạc.
Dù những cơn giận qua đi anh lại hiền lành, tốt bụng nhưng Ly vẫn bị ám ảnh và cảm thấy tổn thương
Ly biết không ai là người hoàn hảo, những cơn hỏa của chồng là rất ít, anh sẽ chỉ cáu khi mệt mỏi, gặp áp lực về công việc. Sau mỗi lần gây ra xung đột, anh đều nhanh chóng trở lại là người hiền lành, tốt bụng, ân cần và luôn biết nói lời xin lỗi vợ… Tuy nhiên, cũng chính những cơn nóng giận một cách thái quá ấy của anh đã để lại trong Ly những sợ hãi, lo lắng, tổn thương... Ly cứ sợ một ngày nào đó, nếu cô không thể thông cảm được cho anh nữa, không thể cố gắng áp dụng “một sự nhịn, chín sự lành”, không thể “cơm sôi bớt lửa” nữa thì hẳn gia đình sẽ biến thành một cuộc chiến tan hoang.
Giúp chồng thay đổi
Để giúp chồng thay đổi, khi anh vui vẻ, bình thường, Ly khéo léo chia sẻ, góp ý với anh nhiều hơn về việc cần thay đổi tính khí. Cô cũng chú ý nhiều hơn đến công việc, sức khỏe, các mối quan hệ của anh để hiểu được khi nào chồng gặp khó khăn, mệt mỏi thì hỏi han rồi cùng anh bàn cách tháo gỡ. Ngoài ra, cô cũng chú ý sưu tập các tài liệu, kiến thức liên quan đến việc “quẳng gánh âu lo”, “suy nghĩ tích cực”, “giải tỏa stress” mang về cho anh đọc. Cô rủ anh tham dự những khóa học kỹ năng mềm về “kiềm chế cảm xúc”… Ly rất mừng là gần đây anh cũng biết rõ đâu là yếu điểm của mình, nhiệt tình học cách đổi thay và còn nói giỡn là: “Quyết học cách chống lại mệnh hỏa!”.
Giúp nhau kiềm chế cơn giận - Cố gắng giữ nguyên tắc “không đổ thêm dầu vào lửa” khi người bạn đời đang cáu giận.
- Cần tìm ra được nguyên nhân của cơn cáu giận.
- Có sự chia sẻ, góp ý một cách thường xuyên, đúng lúc, đúng chỗ.
- Trang bị cho nhau những kiến thức, kỹ năng và rút kinh nghiệm về việc kiềm chế cảm xúc, kiểm soát cơn cáu giận…
|