Trao đổi với Phụ nữ Việt Nam chiều 25/10, PGS.TS Bùi Thị An cho biết, cảm nhận của bà sau khi xem toàn bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm của 48 chức danh do Quốc hội phê chuẩn, đại thể tương đối khách quan.
Theo bà, khó tránh được việc có những người phiếu tín nhiệm khá cao nhưng thực tế công việc không được như vậy, hoặc ngược lại có những trường hợp chức danh có phiếu tín nhiệm thấp nhưng người đó vẫn làm khá tốt công việc của mình. Nhưng việc lấy phiếu với kết quả như vậy, cơ bản tương đối khách quan.
Riêng với "tư lệnh" ngành giáo dục – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, người giữ phiếu tín nhiệm thấp nhất với 137 phiếu (những vị trí tín nhiệm thấp tiếp theo là tư lệnh ngành Giao thông, Y tế), bà An cho rằng điều này cũng nằm trong dự đoán.
“Ngành giáo dục liên quan đến nhiều người, xã hội đặc biệt quan tâm, muốn phát triển đất nước thì giáo dục được xem là vấn đề gốc. Hơn nữa, ngành giáo dục thời gian qua tuy có nhiều cố gắng nhưng cũng có không ít lình xình. Ngành này là ngành được quan tâm để ý, chuyện này rõ ràng rồi nên việc khắt khe hơn trong lấy phiếu cũng là điều dễ hiểu, dễ dự đoán!” – bà An chia sẻ.
Việc lấy phiếu tín nhiệm, theo nữ Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội, là cơ sở tham chiếu để chính những người giữ chức danh đó soi vào bản thân, từ đó có những thay đổi tích cực hơn, trách nhiệm hơn với lĩnh vực mà mình được giao phó quản lý.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành lần thứ ba, hai lần trước là vào các năm 2013, 2014. Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm căn cứ vào quá trình thực tiễn của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Căn cứ vào quá trình điều hành trong công tác đảm đương nhiệm vụ, thể hiện năng lực hoạt động điều hành của các bộ, của Quốc hội.
“Các ĐBQH nghiên cứu xem xét không chỉ riêng về giải quyết của ngành mà thể hiện cả lập trường chính trị, quan điểm, năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm tại bộ, ngành đó” – ông Lợi cho hay.
Ngay trước khi việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra, Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim cho hay, cá nhân ông sẽ bỏ phiếu cho từng người một. Mỗi người tôi sẽ nhận diện một cách đầy đủ rồi mới bỏ phiếu.
“Phương châm của tôi là thận trọng. Làm sao sau khi quyết định rồi mình không thấy ân hận. Đầu tiên là anh có hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn có sử dụng hết không. Thứ hai là trách nhiệm với dân anh thực hiện như thế nào. Thứ ba là đạo đức, lối sống. Tôi mong muốn nhiệt tình, hết sức vì dân đó là gốc. Chứ không phải lên rồi tặng hoa ung dung vui vẻ rồi thế này, thế khác” – ông Vũ Trọng Kim khẳng định.