Trao đổi với Phụ nữ Việt Nam, bà Bùi Thị An – đại biểu quốc hội TP.Hà Nội đồng tình cao với việc đưa Giáo dục công dân vào kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Theo bà, môn học này gắn với kỹ năng và các vấn đề về pháp luật, đạo đức nên không thể lơ là. “Đưa vào kỳ thi là điều tốt vì gắn với nhu cầu trước mắt, các em tự khắc phải học để thi! Song về lâu dài, cần nhìn nhận lại vị trí môn học này trong nhà trường!”
Theo bà An, học sinh vẫn xem đây là môn phụ, học để lấy kiến thức văn hóa như nhiều môn khác. “Trong khi đó, nhiều đề tài rất hay gắn liền với thực tiễn cuộc sống, có tính vận dụng cao. Nhà trường cần xem đây là một môn học kỹ năng hơn là lý thuyết nặng nề như chương trình học hiện nay” – bà Bùi Thị An nhận định.
Để đạt mục tiêu này, theo bà An là cả một quá trình. Nếu đơn thuần thi để mong thay đổi là chưa đủ mà cần thay đổi cách dạy và học. “Bộ GD&ĐT cần có thời gian để làm điều này trước khi thi. Vì vậy năm 2017 chưa nên thi ngay môn Giáo dục công dân. Giáo viên và học sinh cần có ít nhất 1 năm bước đệm để thay đổi cách thức dạy học” – bà An nói.
Học sinh THPT lo lắng về môn thi Giáo dục công dân trong năm học này |
Thực tế, trong đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông, Giáo dục công dân là môn học được bộ GD&ĐT ưu ái sẽ thay đổi. Ông Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, bộ GD&ĐT cho biết, nét lớn trong thay đổi chương trình và dạy học môn Đạo đức – Giáo dục công dân là làm rõ giá trị cơ bản của “đạo lý dân tộc, đạo đức xã hội, trách nhiệm cộng đồng” cũng như “những giá trị cơ bản của Triết học Mác – Lê Nin”. Sau đó, cần chú ý mức độ phù hợp trên 2 bình diện: tâm lý - lứa tuổi và đặc trưng ngành nghề.
Tuy nhiên, theo ông Thống, không thể chỉ trút hết trách nhiệm cho môn học này. Mục tiêu này phải được tất cả các môn học, nhất là các môn khoa học xã hội và các hoạt động giáo dục trong nhà trường cùng chia sẻ và gánh vác. “Chính vì thế, ngay từ thiết kế chương trình giáo dục công dân cần chú ý tích hợp giáo dục đạo đức – công dân vào tất cả các môn học và hoạt động một cách đúng mức, phù hợp” – theo ông Đỗ Ngọc Thống.
Trong tương lai, môn Đạo đức – GDCD sẽ được bộ GD&ĐT thay đổi đúng vai trò của môn học, đó là phát triển năng lực, coi trọng việc vận dụng những hiểu biết về đạo đức và pháp luật vào học tập và sinh hoạt hàng ngày. Thông qua các hành vi, phép ứng xử, những cử chỉ việc làm cụ thể chứ không chỉ nói lý thuyết suông, nhớ máy móc các điều luật hay quy định công cộng...
Nhưng đó là “tương lai” của môn học này. Và tương lai ấy chưa biết sẽ diễn ra vào thời điểm nào, khi mà đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa vẫn chưa “ra tấm ra món”. Còn thực tại, ngay trong năm học này, giáo viên và học sinh vẫn đang loay hoay dạy, học để thi trắc nghiệm thế nào cho hiệu quả, cho đạt điểm cao.