Giáo dục 'cưỡng bức' gây khủng hoảng tâm lý

13/05/2016 - 17:31
Thấy bạn bè, đồng nghiệp cho con học hết lớp này, lớp kia, nhiều mẹ “đứng ngồi không yên” cũng đăng ký cho con theo học, không cần biết con có học được hay không.
Thấy đồng nghiệp khoe clip con đánh đàn, mẹ cũng phải cho con theo lớp đàn dù thẩm âm của con rất kém. Ảnh minh họa internet.

Mới đây, chị Phạm Hoàng Oanh (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ lo lắng: Con nhà người ta 4 tuổi đã đọc chữ cái nhoay nhoáy, vẽ vời đủ kiểu. Con nhà người ta 4 tuổi đã biết hết mấy dấu cộng trừ, nhân chia, nói tiếng Anh nhoay nhoáy... Còn con nhà mình 5 tuổi mà không thuộc nổi các số từ 1 đến 10, chỉ nhận được mặt vài chữ cái, vẽ xấu như gà bới, tiếng Việt một chữ bẻ đôi không biết, nói gì đến tiếng Anh…

Trong khi các mẹ khác đi đâu cũng khoe con giỏi môn này, siêu môn khác, thì mình… cảm thấy xấu hổ vô cùng. Mình đang định đăng ký cho con “chạy sô” học vẽ, học toán, học tiếng Anh hè này để cho bằng con nhà người ta…

Chính tâm lý không thể để con nhà mình kém con nhà người ta đã giúp các trung tâm dành cho trẻ em trong dịp hè luôn đông nghịt. Ảnh minh họa internet.

Không ít các bà mẹ có tâm lý như chị Hoàng Oanh. Thấy người bạn tung trên facebook clip con đánh đàn piano, hôm sau chị liền đăng ký cho con đi học đàn, mặc dù khả năng thẩm âm của con rất kém. Nhìn con của đồng nghiệp cầm bằng khen tiếng Anh cấp thành phố, vài ngày sau chị Oanh cũng “lùng sục” trung tâm tiếng Anh có giáo viên bản xứ để ép con học. Chưa hết, chị còn thuê gia sư về nhà kèm con với hy vọng con có thể chạy đua nhanh nhất.

Thấy con nhà người ta học toán Ucmas, dù con nhà mình chưa biết mặt chữ số nhưng tối nào chị Oanh cũng chở con đi học… Cũng vì tính ganh đua của cha mẹ mà nhiều trẻ vật vã, mệt mỏi, học rất nhiều lớp trong tuần, từ việc học văn hóa đến việc tham gia các lớp học năng khiếu. Con nhà mình nhất định phải toàn diện, hoàn hảo và nhất là không thể kém con nhà người ta.

Cha mẹ hãy phát triển trí thông minh của con đúng với khả năng của con. Ảnh minh họa internet.

Việc các phụ huynh đã đẩy con bước vào cuộc đua khốc liệt khiến con không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Theo PGS.TS Vũ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục tiềm năng con người, đây là cách giáo dục máy móc, thiếu khoa học, giáo dục theo kiểu cưỡng bức con trẻ của các bậc cha mẹ. Hiện nay, đa phần các cha mẹ chỉ tập trung chủ yếu vào khả năng ngôn ngữ và toán học của con mà bỏ qua nhiều kỹ năng khác như vận động, tương tác xã hội, tự nhiên… Khi trẻ bị ép buộc phải phát triển theo hướng không phù hợp với khả năng của mình, trẻ sẽ bị ức chế, nguy cơ đối mặt với khủng hoảng tâm lý, trầm cảm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm