pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giao quyền quản lý giáo dục cho cấp xã: Cơ hội đột phá và thách thức không nhỏ

Từ ngày 1/7, chính quyền cấp xã sẽ được trao quyền quản lý Nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS.
Lợi thế "gần dân, sát trường"
Việc giao quyền quản lý giáo dục về cấp xã được đánh giá là một trong những ưu điểm nổi bật của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Một vị hiệu trưởng trường THCS tại xã Đồng Bằng (Hưng Yên) nhận định: "Trong hệ thống chính quyền 2 cấp, cấp xã sẽ gần dân hơn nên sẽ nắm bắt sát sao tình hình các trường tại địa phương từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, số lượng học sinh cũng như chất lượng học sinh".
Trước đây, chính quyền cấp xã còn mỏng về nhân lực và trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, hiện nay, cấp xã đã được tăng cường đáng kể nhân lực có trình độ chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi hơn để đảm nhiệm vai trò quản lý giáo dục. Dù dự kiến sẽ có những khó khăn ban đầu trong công tác chuyên môn, nhưng khi mọi quy trình đi vào ổn định, chức năng quản lý giáo dục của cấp xã được kỳ vọng sẽ mang lại tác động tích cực.
Để đảm bảo hiệu quả, vị hiệu trưởng này cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên trách về giáo dục ở cấp xã, được chọn lọc từ những người có trình độ và am hiểu sâu sắc về ngành.

Việc giao quyền quản lý giáo dục về cấp xã được đánh giá là một trong những ưu điểm nổi bật của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thách thức về trách nhiệm và năng lực
Tuy nhiên, việc trao thêm thẩm quyền quản lý giáo dục cũng đồng nghĩa với việc cấp xã sẽ phải gánh vác thêm nhiều trách nhiệm mới, nặng nề hơn (do nhiều nhiệm vụ chuyển từ cấp huyện cũ xuống). Điều này đặt ra thách thức lớn đối với những người đứng đầu hệ thống chính quyền cấp xã, đặc biệt là trong bối cảnh các địa phương đang tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính.
Tại tỉnh Lai Châu, từ ngày 1/7/2025, 106 đơn vị hành chính cấp xã sẽ giảm xuống còn 38. Sau sáp nhập, một số xã như Khổng Lào sẽ quản lý số lượng trường học và học sinh rất lớn, ví dụ xã Khổng Lào có 9 trường với gần 6.000 học sinh.
Ông Khổng Văn Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Khổng Lào, cho rằng việc giao quyền quản lý này giúp tăng quyền chủ động cho cơ sở và giảm tải cho Sở GD-ĐT nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về nhân lực, năng lực quản lý, hạ tầng công nghệ và quy trình vận hành, nhất là trong việc đảm nhiệm các công việc như cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, giải quyết chuyển trường hay quản lý dạy thêm, học thêm.
Tại tỉnh Điện Biên, lãnh đạo một xã vùng sâu, vùng xa chia sẻ với Báo PNVN rằng do vấn đề nhân sự còn thiếu nên việc kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ quản lý về giáo dục đối với chính quyền cấp xã là một thách thức không nhỏ. "Chúng tôi cũng đã họp bàn tính đến phương án thành lập nhóm quản lý về giáo dục. Tuy nhiên, quản lý về giáo dục sẽ cần có kiến thức, kỹ năng và am hiểu chuyên về lĩnh vực đó. Trong khi đó, tại xã chúng tôi hiện không dồi dào những nhân sự như vậy. Trước mắt, chúng tôi sẽ cần đến sự hỗ trợ của Sở GD-ĐT trong thời gian đầu", vị lãnh đạo chia sẻ.

Tuy nhiên, với địa phương vùng sâu, vùng xa, nhân sự mỏng thì việc kiêm nhiệm thêm chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục là một thách thức không nhỏ.
Để thích ứng với nhiệm vụ mới, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp. UBND phường Tân Lập (Đắk Lắk) mới đây cũng đã tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý giáo dục với sự tham dự của lãnh đạo 17 cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Ông Trần Đức Nhật, Chủ tịch UBND phường Tân Lập, cho biết phường đã chủ động phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời công khai, minh bạch các quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ cho học sinh và phụ huynh.
Để chính quyền cấp xã làm tốt được nhiệm vụ mới, chia sẻ với báo chí, bà Hoàng Thị Phương Thảo (nguyên Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Vinh cũ), nay là Phó Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội phường Trường Vinh (Nghệ An) cho hay, nhiệm vụ chức năng của phòng GD-ĐT trước đã chuyển giao gần như toàn bộ về chính quyền cấp xã. Bao gồm việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, quy mô mạng lưới trường lớp, quản lý cơ sở vật chất, con người đến phân bổ, giao dự toán ngân sách đối với các cơ sở giáo dục trực thuộc…
Tuy nhiên, theo bà Thảo, trước đây, phòng GD-ĐT là đơn vị "chuyên môn hóa", bản thân các chuyên viên được chia mảng phụ trách rõ ràng. Trong khi ở cấp xã, phường thì giáo dục là một mảng của phòng văn hóa - xã hội, và cán bộ phụ trách kể cả là người của phòng GD-ĐT trước đây cũng đảm nhận thêm nhiều vai trò, nhiệm vụ mới.
Bà Hoàng Thị Phương Thảo cho hay, hiện cán bộ phụ trách giáo dục các phường thuộc thành phố Vinh cũ đã có sáng kiến lập nhóm chung để tiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm làm việc.
Mỗi người có thế mạnh chuyên môn riêng sẽ hỗ trợ, tăng cường cho nhau trong các đầu mối công việc như duyệt kế hoạch năm học, chương trình nhà trường; quản lý dạy thêm, học thêm; sinh hoạt chuyên môn; quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.