Giáo viên hạnh phúc mới làm cho học sinh hạnh phúc

Hà Lê - Ảnh: NVCC
19/11/2022 - 06:47
Giáo viên hạnh phúc mới làm cho học sinh hạnh phúc

Thầy Đào Chí Mạnh với học sinh.

Thay vì ra lệnh thì thực hiện nguyên tắc “ba làm”: Hướng dẫn làm, tạo điều kiện và tạo động lực cho giáo viên làm. Câu chuyện của thầy hiệu trưởng Đào Chí Mạnh (trường tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc) bắt đầu với “từ khoá” này.

Người đẩy cả đoàn tàu

Thầy hiệu trưởng Đào Chí Mạnh từng được biết đến là một trong những người đầu tiên dạy trực tuyến cho học sinh tiểu học trong thời đại dịch COVID19. Vừa trực tiếp dạy để chứng minh hình thức dạy học này có thể làm được, vừa hướng dẫn, kéo những giáo viên khác thử nghiệm và cuối cùng là triển khai trong trường.

Sau sự tiên phong này rất lâu, Bộ GD-ĐT mới hướng dẫn các nhà trường chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong hai năm đại dịch khiến trường học đóng cửa.

Từ năm 2009-2010, thầy Mạnh đã bắt đầu nghiên cứu dạy học trực tuyến từ những phương thức rất thô sơ như tự quay dựng các video bài giảng. Sau đó xây dựng kênh trực tuyến Eteachers.edu.vn.

"Tôi nghĩ sớm muộn thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học cũng cần thiết, ít nhất nó là một phương thức bổ trợ cho việc dạy học ở trường và hỗ trợ học sinh tự học"- thầy Mạnh cho biết.

Cuối năm 2019, đầu năm 2020 là thời điểm Vĩnh Phúc trở thành "tâm dịch COVID- 19 đầu tiên", một số trường học phải cho học sinh nghỉ. Lúc này, thầy Mạnh mới quyết tâm tổ chức dạy trực tuyến trên hệ thống vio.edu.vn (hệ thống lúc đó là Eteachers.edu.vn) do thầy sáng lập.

Mở 5 lớp học trực tuyến cho học sinh 5 khối của bậc tiểu học với suy nghĩ hỗ trợ miễn phí cho học sinh của trường tiểu học Kim Ngọc- nơi thầy Mạnh làm hiệu trưởng- nhưng không ngờ sau khi thông tin về lớp học, số học sinh đăng ký quá đông. Nhiều học sinh trường khác, ở địa phương khác cũng tham gia. Chỉ sau một tuần có vài ngàn học sinh tham gia học.

Cách dạy trực tuyến của thầy Đào Chí Mạnh bây giờ đã trở thành phổ biến với giáo viên tiểu học nhiều trường ở Vĩnh Phúc. Đó là thiết kế trước các video bài học theo cách dễ hiểu, phù hợp với tâm lý học sinh tiểu học và đưa công khai lên mạng cho phụ huynh xem trực tiếp hoặc tải về cho con học.

Khi trường học mở cửa trở lại, nền tảng dạy học trực tuyến này vẫn phát huy và được giáo viên sử dụng để hướng dẫn học sinh luyện tập, giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra sản phẩm học tập của học sinh,

Một số phụ huynh từng chia sẻ trên facebook của thầy Mạnh đã cho biết đây là cách phù hợp vì mỗi phụ huynh có thể lựa thời gian thích hợp để mở video cho trẻ học, có thể mở nhiều lần. Các bài học được thiết kế hấp dẫn và dễ hiểu nên phụ huynh cũng ghi nhớ được và hướng dẫn lại cho con.

Việc xắn tay trực tiếp làm với động cơ trong sáng vì học sinh của thầy Mạnh chính là nguồn cảm hứng cho nhiều giáo viên khi đó.

Thầy Mạnh kể lại trong thời kỳ đại dịch căng thẳng, nhiều giáo viên đã đi cả chục cây số đến nhà thầy để cả nhóm cùng vừa dạy trực tuyến, vừa tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Trao đổi kinh nghiệm, giúp giáo viên tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình dạy là việc thầy Mạnh rất quan tâm. Không quản ngày hay đêm, hễ ai cần hỗ trợ, dù đó là giáo viên ở trường khác, ở địa phương khác, thẫy cũng sẵn sàng.

Theo thầy Mạnh, nền tảng dạy học trực tuyến có khả năng phân tích lỗ hổng kiến thức của từng học sinh, giúp thầy cô nắm được điểm mạnh, yếu của mỗi học sinh mình phụ trách. Các ứng dụng cũng cho phép thực hiện các hình thức kiểm tra với số đông học sinh thay vì chỉ kiểm tra trực tiếp vài học sinh trên lớp/1 tiết học. Có ứng dụng có thể áp dụng để khích lệ tinh thần học tập của học sinh bằng các hình thức cộng điểm, khen thưởng mà các em có thể nhìn thấy ngay lập tức.

Giáo viên hạnh phúc mới làm cho học sinh hạnh phúc - Ảnh 1.

Thầy Đào Chí Mạnh

Với nguyên tắc "ba làm", hiện thời cứ khai thác thêm được ứng dụng nào hay, thầy Mạnh thường chia sẻ ngay với đồng nghiệp và phụ huynh. Hướng dẫn tận tình để giáo viên làm bằng được.

Khi chuyển từ ngôi trường đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin là trường tiểu học Kim Ngọc sang một trường khó khăn hơn (trường Hội Hợp B), thầy hiệu trưởng trẻ tuổi lại "bắt đầu xây những viên gạch mới" cho việc sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào dạy học.

Nhiều giáo viên ở đây quen với việc hiệu trưởng đến tận nơi giáo viên dạy học trực tuyến, không phải để "dự giờ, rồi phán xét" mà chỉ để "xem cô giáo có cần hỗ trợ gì không". Có lúc giúp thay cái dây kết nối đường truyền, có lúc cài thêm vài ứng dụng để giáo viên dễ sử dụng. Đó là những việc nhỏ để thầy Mạnh tạo động lực, tạo điều kiện cho giáo viên.

Không chỉ dạy trực tuyến mà có nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được thầy Mạnh sử dụng vào việc quản trị, hoạt động chuyên môn. Nền tảng trực tuyến hình thành trong hai năm qua cũng cho phép giáo viên giao việc, kiểm soát việc tự học của học sinh, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, thực hiện khảo sát chất lượng.

"Uy" và "ân"

Là một "thủ lĩnh" truyền cảm hứng là điều mà nhiều giáo viên nói về thầy Đào Chí Mạnh. Trong cuộc trò chuyện, thầy Mạnh nhắc đến hai từ "uy và ân".

Uy là uy tín về chuyên môn, về tư cách đủ để người khác tin cậy, đi theo, đủ để nâng đỡ, hỗ trợ người khác. Còn ân là cách cách hành xử, đối đãi có lý, có tình, là cách lắng nghe, thấu cảm để kéo người khác đi cùng với mình trong một mục tiêu chung vì học sinh- thầy Mạnh mô tả về 2 từ mà thầy luôn tâm niệm phải giữ.

Vị hiệu trưởng trẻ tuổi này cho rằng "giáo viên có hạnh phúc thì mới làm cho học sinh hạnh phúc", bởi thế anh cố gắng cởi bỏ áp lực.

"Sản phẩm giáo dục rất khó đo đếm nên cũng dễ rơi vào hình thức nếu người thực hiện có thái độ đối phó"- thầy Mạnh nhận định và cho rằng để có sản phẩm thực chất thì đừng gây áp lực cho giáo viên, học sinh. Thay vào đó cho họ động lực, sự hứng thú. Trong các quy định để gây dựng nền tảng văn hóa của trường học hạnh phúc, thầy Mạnh chú trọng từ những việc nhỏ nhất: Ứng xử của giáo viên với học sinh, giáo viên với phụ huynh và ngược lại.

"Không nhắn tin cho giáo viên vào giờ nghỉ trưa, sau 9 giờ tối. Hãy thả tim trong những chia sẻ của giáo viên ở group lớp học…", đó là những nhắn gửi của thầy hiệu trưởng được thầy cho rằng "giảm áp lực" để ‘tăng động lực".

"Tự học" và "đồng hành" cũng là những điều Đào Chí Mạnh nói rất nhiều với giáo viên, với phụ huynh của anh.

"Khi hỗ trợ con học trực tuyến, cha mẹ mới có cơ hội quan sát cả sự ngập ngừng, ấp úng của con khi gặp một bài toán khó. Thay vì chỉ nhận từ nhà trường kết quả điểm 9, điểm 10 của con, cha mẹ sẽ nhìn thấy quá trình con thay đổi. Quá trình đó cần rất nhiều sự kiên nhẫn, đồng hành của cha mẹ và thầy cô. Giúp con vượt qua khó khăn trong học tập chính là cho con liều vắcxin tuyệt vời tạo nên kháng thể tự học để chống lại sự lười biếng, thụ động", thầy Mạnh chia sẻ với các bậc phụ huynh.

Nhẫn nại để chuyển đi những thông điệp truyền cảm hứng là cách từng ngày mà vị "thủ lĩnh" trẻ này vẫn đang làm, trong một năm học phải đối diện với nhiều khó khăn mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm