Giật mình nước ngọt có ga (Bài 2): Lập lờ trong cách ghi tỉ lệ đường?

16/05/2019 - 12:00
Nhiều hãng sản xuất nước ngọt có ga không ghi cụ thể tỷ lệ đường trong chai nước mà chỉ ghi chung chung thành phần gồm đường HFCS, đường mía…

Sự lập lờ nguy hiểm

Hiện một số thực phẩm đồ uống, ăn liền… đã ghi thông tin một số thành phần dinh dưỡng nhưng theo nhiều người tiêu dùng, việc ghi đó khá chung chung. Bên cạnh một số sản phẩm đồ uống có ga ghi tổng lượng đường trong 1 sản phẩm thì nhiều loại nước ngọt có ga thường chỉ ghi lượng đường trong 100ml trên nhãn thông tin về sản phẩm. Ví dụ, 1 chai nước ngọt có ga của Coca-Cola 390ml hoặc 1.500ml nhưng thông tin trên sản phẩm ghi là trong 100ml chứa 10,5g đường.

 

1a.jpg
Ảnh minh họa

 

Chị Nguyễn Thị Hải, ở Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, chị nghe nói đường trong nước ngọt có ga nhiều nên không muốn cho con sử dụng. Nhiều khi con đòi mua nên chị đành chiều con. “Với cách ghi trên, nếu không đọc kỹ thì nhiều người sẽ nhầm là cả chai nước ngọt đó chỉ chứa hơn 10g đường. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ và tính ra thì 1 chai nước gọt có ga 390ml chứa gần 41g đường; còn chai 1.500ml chứa tới hơn 157g đường”, chị Hải cho biết. Như vậy, một chai nước ngọt có ga loại 1.500ml trên chứa tới khoảng 30 thìa cà phê đường.

Ngoài ra, trên nhãn sản phẩm nước ngọt có ga, cụ thể là Coca-Cola, ghi thành phần đường khá chung chung, chỉ ghi thành phần gồm đường HFCS, đường mía… chứ không có tỷ lệ cụ thể đường mía và đường HFCS là bao nhiêu. Tương tự, nước ngọt Fanta cũng chỉ ghi thành phần chung chung là đường HFCS, đường mía... trên nhãn dán ngoài sản phẩm.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, lạm dụng cả 2 loại đường trên đều nguy hiểm nhưng đường HFCS được đánh giá là nguy hiểm hơn.

Theo TS Trương Đình Bắc, Cục phó Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), không giống với nhiều nước trên thế giới, hiện Việt Nam chưa bắt buộc ghi nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm mà chỉ yêu cầu ghi nhãn hàng hóa như ghi tên, xuất xứ, hạn sử dụng và một số thành phần dinh dưỡng như đường, protein, chất béo... Điều này khiến nhiều sản phẩm có thông tin không rõ ràng trên nhãn hàng hóa của sản phẩm.

 

2a.jpg
Thông tin thành phần trên chai Coca-Cola ghi là đường HFCS, đường mía... chứ không ghi tỷ lệ cụ thể 2 loại đường có trong sản phẩm

 

HFCS là đường lỏng, là xi-rô bắp giàu fructose, một thực phẩm công nghiệp được dùng rộng rãi trong chế biến thức ăn nhanh, thực phẩm đóng chai… Khi điều chế HFCS, người ta có có thể điều chỉnh được theo tỷ lệ thành phần fructose trong thành phẩm. Trong khi đường mía có thành phần cố định 50% glucose, 50% fructose, thì trong HFCS, nhà sản xuất có thể chủ động tăng tỷ lệ fructose lên cao hơn. Giá thành của đường lỏng HFCS rẻ hơn đường mía. Vì thế, hiện nay ở Việt Nam, nhiều nhà máy bánh kẹo, nước giải khát đã thay đường lỏng HFCS này cho đường mía.

HFCS có vị tương tự như đường nhưng có thể để được lâu hơn trong quá trình bảo quản thực phẩm. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ, đường lỏng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh nội tiết và chuyển hóa, như mỡ gan, béo phì… Ngoài ra, đường lỏng còn có thể gây chứng nghiện đường. Theo Cơ quan Quản lý Thực và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), so với những năm đầu thế kỷ 20, hiện nay trẻ em Mỹ tiêu thụ một lượng đường ngọt gấp cả 10 lần, trong đó chủ yếu là từ HFCS sản xuất từ tinh bột ngô.

Vì sao dễ nghiện nước ngọt?

Sở dĩ đường trong nước ngọt có thể gây nghiện là bởi đường kích thích sự phóng thích dopamine, chất dẫn truyền nội tiết thần kinh trong não, làm cho chúng ta cảm thấy tươi khỏe và hưng phấn. Đây cũng chính là cách thức gây nghiện của cocaine. Tuy nhiên, chỉ 1-2 giờ sau khi ăn đồ ngọt thì tình trạng sụt đường lại xảy ra nên người trong cuộc muốn sử dụng đồ uống có ga lại. Điều này có thể lý giải vì sao bạn rất khó để từ bỏ nước ngọt có ga, nếu từng sử dụng, đặc biệt là ở trẻ em.

 

2b.jpg
Thông tin "dành riêng cho thị trường trong nước, không được xuất khẩu” in trên chai Coca-Cola

 

Nhiều người đặt câu hỏi, không biết có phải do lượng đường trong nước ngọt cao hay vì những quy định khắt khe khác về các thành phần dinh dưỡng trong sản phẩm mà mới đây, không ít sản phẩm nước ngọt đóng chai tại Việt Nam, trong đó có nước ngọt Coca-Cola, Fanta có thêm thông tin “dành riêng cho thị trường trong nước, không được xuất khẩu”.

Thực tế, hầu hết các nước đã yêu cầu ghi nhãn dinh dưỡng trên sản phẩm. Không biết đây có phải là lý do, nếu đưa nước ngọt trong nước, trong đó có Coca-Cola hay Fanta ra nước ngoài thì có thể sẽ bị thu hồi như một số sản phẩm tại Việt Nam bị Nhật Bản yêu cầu thu hồi vừa qua?

(còn nữa)

(Còn nữa)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm