pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Gieo" tri thức cho trẻ em dân tộc thiểu số ở xóm "ốc đảo"
Trẻ em ở xóm Nhạp phải di chuyển bằng thuyền để ra trung tâm xã Đồng Ruộng học tập
Gian nan đường đến trường
Xóm Nhạp được ví như một ốc đảo của xã Đồng Ruộng (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình). Cách đây 7 năm, xóm vẫn là một vùng đất hoang vu với bạt ngàn lau sậy. Những người dân sinh sống ở đây từng phải trải qua một trận sạt lở đất trước khi tìm được chốn an cư như bây giờ.
Dù chỉ là một xóm nhỏ với 27 hộ dân nhưng các con đường ở xóm Nhạp đều đã được cứng hóa, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể, số hộ nghèo, cận nghèo giảm theo từng năm.
Vui mừng khi chứng kiến những thay đổi của xóm Nhạp vài năm trở lại đây nhưng ông Quách Công Hung, Bí thư chi bộ xóm, vẫn còn nhiều trăn trở, đặc biệt là khi nhắc đến việc học của trẻ em trong xóm.
Do nằm ở lòng hồ Hòa Bình nên xóm Nhạp giống như "ốc đảo", mọi hoạt động của người dân đều gắn với thuyền. "Đánh bắt thủy sản cần thuyền, làm nương cũng phải dùng thuyền, đến trẻ con đi học vẫn phải nhờ đến thuyền", ông Hung chia sẻ.
Xóm Nhạp có 1 điểm trường mầm non và 1 điểm trường tiểu học. Tuy nhiên, khi học hết lớp 4, những đứa trẻ trong xóm sẽ phải di chuyển ra trung tâm xã mới có thể học tiếp. Từ xóm Nhạp, muốn ra trung tâm xã sẽ phải mất 40 phút di chuyển bằng thuyền vượt lòng hồ.
Ông Hung cho biết: "Những ngày trời yên, sóng lặng thì còn đỡ vất vả chứ nếu gặp mưa, rét thì việc học quả là gian nan". Bởi thế mà ở xóm Nhạp, không ít trường hợp trẻ học hết lớp 4 rồi nghỉ học. Trong đó có người con gái lớn của vợ chồng chị Bùi Thị Vĩnh (41 tuổi, dân tộc Mường) và anh Bùi Văn Điệp (50 tuổi).
Vợ chồng chị Vĩnh có với nhau 3 mặt con (2 gái, 1 trai). Kinh tế gia đình khó khăn nhưng các con đều được anh chị cho đi học. Đứa con gái lớn học lực ổn nhưng học hết lớp 4 thì phải nghỉ. Ai cũng bất ngờ nhưng khi biết được nguyên nhân, mọi người chỉ thấy tiếc cho cháu bé.
"Mỗi lượt đi và về mất 30.000 đồng tiền xăng, cháu cũng bị say sóng và việc di chuyển bằng thuyền không an toàn, nhất là mùa mưa bão nên gia đình tôi buộc phải cho cháu nghỉ học", chị Vĩnh chia sẻ.
Chuyện học của đứa con đầu còn day dứt thì sắp tới, gia đình chị sẽ tiếp tục phải đưa ra quyết định liên quan đến việc học của người con gái thứ 2. Bởi lẽ, năm nay, cháu bé đã học lớp 4 và việc di chuyển từ nhà đến trung tâm xã để học tiếp lớp 5 vẫn phải dùng thuyền.
Nỗi khó khăn vất vả trên hành trình "đi tìm con chữ" của những đứa trẻ ở xóm Nhạp có lẽ anh Đinh Hải Nam (37 tuổi, người dân tộc Mường) là người hiểu rõ nhất. Từ khi con gái Đinh Tiểu Yến lên lớp 5, đều đặn mỗi ngày, anh Nam phải đưa con đến trường.
"Để cháu đi một mình tôi không an tâm nên buộc phải đưa đón cháu", anh Nam tâm sự. Đường xa, không thuận tiện cho việc đi lại nên hôm nào con học 1 buổi, anh Nam đưa con đến trường rồi ở luôn tại đó chờ đến khi nào con tan học để đưa về.
Còn khi con gái học cả ngày, buộc lòng anh Nam phải về nhà rồi buổi chiều lại ngược ra để đón con. Do đường đến trường xa nên ngày nào bố con anh cũng phải rời nhà từ 5h30 phút.
"Vất vả như vậy nhưng chúng tôi cũng phải cố gắng để các cháu có tương lai tốt đẹp hơn. Mong ước của người dân xóm Nhạp là có 1 con đường nối từ xóm đến trung tâm xã để các cháu đến trường và người dân đi lại đỡ vất vả hơn", anh Nam bộc bạch.
Rẽ sóng "gieo" tri thức
Có một con đường cũng là mong ước của thầy Lường Văn Sắng (SN 1978), giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đồng Ruộng. Đây là năm thứ 6 thầy Sắng gắn bó với công việc "gieo chữ" cho những đứa trẻ ở xóm Nhạp.
Thầy Sắng hiện phụ trách 8 học sinh lớp 3 và lớp 4 tại điểm trường xóm Nhạp. Nếu như những đứa trẻ ở xóm Nhạp phải vượt lòng hồ để "đi tìm con chữ" thì thầy Sắng bao năm nay cũng phải vượt lòng hồ để "gieo tri thức" cho các em.
Hành trình của thầy Sắng kéo dài 2 chặng đường và đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần. "Nhà tôi ở trung tâm xã Đồng Ruộng. Để đến được điểm trường xóm Nhạp, khoảng 5h30 phút, tôi di chuyển bằng xe máy rời nhà.
Di chuyển khoảng 8km, tôi đến bến thuyền xóm Hủm (cùng thuộc xã Đồng Ruộng - PV) và bắt đầu chặng đường tiếp theo là hơn 30 phút di chuyển bằng thuyền để đến điểm trường xóm Nhạp dạy học", thầy Sắng chia sẻ.
Gắn bó trong ngành giáo dục gần 30 năm, từng được phân công giảng dạy ở những điểm trường xa xôi, hẻo lánh nhưng theo thầy Sắng, chính sự hồn nhiên của những đứa trẻ người dân tộc thiểu số là điều thôi thúc thầy vượt khó khăn để gắn bó với sự nghiệp "trồng người".
Trao đổi với Báo PNVN, lãnh đạo UBND xã Đồng Ruộng cho biết, xóm Nhạp là một trong những xóm xa xôi của xã. Việc không có đường bộ nối với các xóm khác khiến việc di chuyển, giao thương, đặc biệt là vấn đề học tập của trẻ nhỏ bị ảnh hưởng.
Nắm bắt được những khó khăn đó, chính quyền huyện Đà Bắc và tỉnh Hòa Bình đã khởi công xây dựng tuyến đường nối từ trung tâm xã Đồng Ruộng đến xóm Nhạp. Con đường đang được thi công và sẽ sớm được đưa vào sử dụng để giúp việc di chuyển của bà con thuận lợi hơn.