Giờ học lấy cảm hứng từ cuộc sống
Xuất thân từ gia đình nông nghiệp, ngành học cũng ĐH Sư phạm kỹ thật nông nghiệp, cô giáo Phùng Thị Hà, dạy môn Công nghệ, trường THPT Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội) với 13 năm đi dạy đã luôn khiến học trò mê mẩn bởi nhiều ý tưởng phong phú, hữu ích từ chính cuộc sống được đưa vào môn học.
Với ba học phần thuộc môn Công nghệ gồm trồng trọt, chăn nuôi và tạo lập doanh nghiệp, nữ giáo viên đầy ý tưởng này đã kết nối ba hoạt động này với nhau bằng các sản phẩm do chính tay học trò làm ra.
Điều cô Hà mong muốn là thông qua các sản phẩm “handmade” ấy, học trò hiểu về môn học một cách sinh động, đồng thời trực tiếp giúp đỡ bố mẹ bằng kiến thức mình học được.
Trong năm học vừa qua, dưới sự hướng dẫn của cô Hà, học sinh đã cùng nhau tạo ra rất nhiều sản phẩm thú vị như trồng nấm, làm bánh kẹo, bỏng ngô, chuối khô… Trong đó, bỏng ngô không chỉ là loại bỏng truyền thống mà nữ giáo viên còn sáng tạo bằng cách tẩm gừng làm cho món ăn dân dã này trở nên đặc sắc hơn.
“Bỏng tẩm nước gừng sẽ khiến món ăn có mùi vị thơm hơn, cân cũng nặng hơn nên khi bán ra, các em rất hào hứng bởi ai cũng hưởng ứng. Phụ huynh, bà con mua ủng hộ là chính, hoạt động này nhằm giúp các em bước đầu hình thành các ý tưởng kinh doanh - một trong những học phần của môn Công nghệ” - nữ giáo viên chia sẻ.
Cũng tương tự món bỏng ngô, một số sản phẩm nông sản khác như bánh kẹo, hay chuối sấy khô… đều do cô Hà muốn học sinh tự vận dụng từ những nông sản sẵn có trong vườn nhà, vừa tiết kiệm nguồn nguyên liệu, vừa phần nào giúp bố mẹ có thêm thu nhập.
Không dừng lại ở đó, nữ giáo viên với ý tưởng luôn bùng nổ trong đầu còn đang hỗ trợ học sinh tìm hướng xử lý chất thải chăn nuôi trong gia đình hoặc khu vực dân cư mình sinh sống.
Thật tuyệt vời khi ý tưởng này nhanh chóng được học trò hưởng ứng và nhiệt tình tham gia, bởi đây là nhu cầu vô cùng thiết thực trong gia đình mỗi học sinh. Bài học lý thuyết mơ hồ trong sách vở trở nên vô cùng sinh động nhờ các hoạt động thực tế này.
Đằng sau những giờ dạy tâm huyết
Nói về những giờ dạy… không giống ai, cô giáo Phùng Thị Hà chia sẻ, để có thể tạo ra những sản phẩm hoàn hảo giới thiệu với học sinh, nữ giáo viên đã phải loay hoay rất nhiều khi thực hiện trước các sản phẩm tại nhà, đến khi nào thành công mới áp dụng cho học sinh.
Một trong những thất bại đáng nhớ nhất của cô chính là việc trồng nấm.
“Trồng nấm, nói thì đơn giản nhưng quá trình làm thì khó vô cùng bởi nấm rất dễ bị nhiễm các chủng vi khuẩn khác, sản phẩm làm ra không như ý muốn. Tôi đã phải thử sức khoảng 10 lần mới thành công. Cũng may ông xã làm công việc liên quan đến kinh doanh nên hỗ trợ tôi rất nhiều, đặc biệt là học phần thiết lập doanh nghiệp trong môn học. Anh cũng tạo điều kiện tối đa cho tôi để tôi yên tâm dành thời gian cho môn học!” - cô Hà tâm sự.
Có được nhiệt huyết lớn cho môn học, nữ giáo viên không xem môn Công nghệ là môn chính hay phụ, mà đó là một môn học quan trọng khi rèn các kỹ năng cho học sinh.
“Chính hay phụ do bản thân mình nghĩ thôi, nếu mình xác định đây không phải là môn học để thi mà là để cải tạo cuộc sống, phục vụ cho chính cuộc sống quanh mình, thì môn học sẽ luôn có vị trí riêng!” - cô Hà nói.
Với cách nghĩ ấy, nữ giáo viên luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Cô chọn cách dạy gắn với thực tế với mong muốn đem lại hiệu quả thiết thực, hữu ích với cuộc sống của học sinh và gia đình các em.
“Động lực để tôi luôn cố gắng hơn, là học sinh và chính nơi mà cô trò chúng tôi sinh sống. Được trải nghiệm từ chính cuộc sống quanh mình, điều này mang lại cho tôi nguồn cảm hứng vô tận. Tôi tin học sinh của mình cũng vậy, cải tạo quê hương sạch hơn, đẹp hơn là điều mà tôi muốn hướng đến cho các em” - cô Hà chia sẻ.
“Tôi muốn học sinh chủ động trong cuộc sống!”
Làm nên được những tiết học sinh động này, theo cô Phùng Thị Hà, giáo viên trước hết phải có kiến thức, thứ hai là có tâm huyết và quan trọng nhất là phải thật sự yêu học sinh và yêu nơi mình đang sống.
Khi được hỏi về mong muốn được trang bị kỹ năng sống gì cho học sinh thông qua môn học, cô giáo Phùng Thị Hà khẳng định, đó là kỹ năng chủ động trong cuộc sống.
“Thực tế kể cả giáo sư, tiến sỹ hoặc những nhà khoa học cũng chung mục đích giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Mỗi vùng miền có một đặc thù khác nhau thì các em sẽ biết cách để biến những tri thức đó phù hợp với cuộc sống của mình một cách chủ động nhất có thể” - cô Hà trải lòng.
Xuất phát từ chính học sinh, chính các ý tưởng của cô Hà đã mang đến ý nghĩa quan trọng là giúp cô có thể phân loại được học sinh. “Có em rất thích chế biến, có em lại hào hứng với việc bán sản phẩm kinh doanh. Qua đó giúp tôi định hướng nghề tốt hơn cho học sinh” - nữ giáo viên cho biết.
Cô Hà cũng cho biết, những sáng kiến trong giờ học của mình đã được sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh. Học sinh của cô có nhiều em khó khăn, không chỉ về kinh tế mà còn về hoàn cảnh như bố mẹ ly hôn, ông bà già yếu. Điều này càng trở thành động lực để cô bồi đắp niềm ham học, định hướng nghề thật tốt trong học sinh, mong các em sớm có những dự định, đam mê và theo đuổi niềm đam mê ấy đến cùng.