pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giới khoa học thận trọng về vaccine phòng Covid-19 do Nga sản xuất
Vaccine phòng COVID-19, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaley phát triển, được giới thiệu ngày 6/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giám đốc Các viện Khoa học Y tế của Ấn Độ, Tiến sỹ Randeep Guleria, cho biết cần phải đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của loại vaccine do Nga phát triển nếu nó thực sự thành công.
Theo Tiến sỹ Guleria, cần xem xét nghiêm túc mức độ an toàn và hiệu quả của loại vaccine này. Liệu nó có bất kỳ tác dụng phụ nào không hay nó có giúp duy trì sự bảo vệ và miễn dịch trước virus SARS-CoV-2.
Ngày 11/8, Tổng thống Putin khẳng định loại vaccine này đem lại khả năng “miễn dịch lâu dài” trước COVID-19, đồng thời tiết lộ một trong số các con gái của ông này đã được tiêm loại vắcxin trên và vẫn cảm thấy ổn sau đó.
Loại vaccine này, được gọi là Sputnik V theo tên của vệ tinh đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên vũ trụ. Tuy nhiên, loại vaccine này vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Một số nhà khoa học lo ngại Nga có thể đặt uy tín quốc gia lên trên mức độ an toàn.
Ông Peter Kremsner thuộc Bệnh viện Đại học Tuebingen tại Đức, chuyên gia đang tham gia giai đoạn thử nghiệm lâm sàng loại vaccine do CureVac nghiên cứu, cho biết: “Thông thường cần một lượng lớn người tham gia thử nghiệm trước khi cấp phép sử dụng một loại vaccine. Do đó, thật là liều lĩnh nếu cấp phép sử dụng khi loại vaccine này chưa được thử nghiệm trên nhiều người trước đó.”
Quan chức hàng đầu của Mỹ về các bệnh truyền nhiễm, Tiến sỹ Anthony Fauci, cho biết ông chưa từng nghe bất kỳ bằng chứng nào về việc loại vaccine này đã sẵn sàng cho sử dụng rộng rãi.
Ông Fauci tỏ ý nghi ngại: “Tôi hy vọng rằng Nga thực sự có đầy đủ thông tin kiểm chứng về mức độ an toàn và hiệu quả của loại vaccine này. Tôi hết sức nghi ngờ rằng họ đã làm vậy.”
Hãng dược phẩm Sistema của Nga cho biết họ kỳ vọng đưa loại vaccine do Viện Gamaleya của Nga phát triển vào sản xuất đại trà trong cuối năm nay.
Chính quyền Nga cho biết họ sẽ ưu tiên sử dụng loại vaccine này cho các nhân viên y tế, tiếp đó là giáo viên, trên cơ sở tự nguyện vào cuối tháng này hoặc đầu tháng 9. Nga cũng kỳ vọng sẽ tiến hành triển khai tiêm phòng trên quy mô lớn vào tháng 10.
Người sử dụng loại vaccine này được tiêm 2 liều, bao gồm 2 kiểu huyết thanh của một loại virus chứa DNA chuỗi kép (adenovirus), trong đó mỗi loại mang kháng nguyên S của chủng virus corona mới, xâm nhập vào tế bào cơ thể và tạo ra phản ứng miễn dịch.