Giới lao động chưa hài lòng với mức tăng lương 7,3%

02/08/2016 - 21:33
Chiều nay 2/8, Hội đồng tiền lương Quốc gia họp báo công bố mức tăng lương tối thiểu vùng của năm 2017 từ 180.000 đồng - 250.000 đồng/tháng (tăng 7,3%); trong khi 2 bên đại diện người lao động và giới chủ sử dụng chưa thực sự hài lòng với mức tăng này.
hoi-dong-tien-luong-quoc-gia.jpg
 Họp báo công bố tăng lương tối thiểu vùng

Tại buổi họp báo cuối buổi chiều 2/8, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Hội đồng cùng các bên đại diện người lao động và giới chủ doanh nghiệp đã bàn thảo, đánh giá tác động của lương, bảo hiểm xã hội và khảo sát đời sống thực tế của công nhân, người lao động để có căn cứ để “chốt” phương án tăng lương tối thiểu năm 2017. Phương án lựa chọn đảm bảo được hài hòa lợi ích của 2 bên là người lao động có mức thu nhập cao hơn, ổn định cuộc sống; mặt khác cũng đảm bảo cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Qua 2 phiên họp, theo ông Huân, “kết quả đạt được có sự đồng thuận cao”, chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2017 là 7,3%. “Phương án tăng lương này phản ánh được lương thực tế và một phần năng suất lao động hiện nay. Mức tăng này vừa đảm bảo đời sống người lao động, đồng thời cũng chú ý tới yếu tố khó khăn, cạnh tranh và các chi phí khác của doanh nghiệp đang tăng lên”, ông Phạm Minh Huân khẳng định.

Ông Phạm Minh Huân cho rằng, phương án ban đầu 2 bên đưa ra cách xa nhau. Sau khi phân tích, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương đưa ra 4 phương án, rồi chọn 1 phương án để tạo đồng thuận trong Hội đồng. Mức tăng lương 7,3% cơ bản đảm bảo hài hòa và có sự chia sẻ của 2 bên. Người lao động rõ ràng muốn tăng nhiều hơn, còn chủ sử dụng lao động cũng xem người lao động là bộ phận quan trọng tạo doanh thu.

Chia sẻ về quá trình thương lượng mức tăng giữa Tổng liên đoàn Lao động VN và Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI), ông Phạm Minh Huân cho hay, đại diện của người lao động đã kiến nghị mức tăng lương như năm trước (12,4%). Trong khi đó, đại diện giới chủ doanh nghiệp đã đưa ra phương án tăng 4 đến 5%; thậm chí Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Thủy sản đã đề nghị không tăng lương tối thiểu thời điểm này. “Sau khi phân tích, Hội đồng tiền lương đưa ra phương án thương lượng là bình quân tăng 7,3% lương tối thiểu năm 2017”.

1-tang-luong-toi-thieu-2017.jpg

Đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, tỏ ra chưa hài lòng với phương án tăng lương 7,3%. Bởi vì mức ban đầu đơn vị này đưa ra là hơn 11%. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp còn khó khăn, đặc biệt là dệt may, nên phương án của Tổng liên đoàn rút xuống là 10%. “Với mức tăng lương chỉ ở mức 7,3%, Tổng liên đoàn cũng chịu sức ép lớn của người lao động; bởi thực tế đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn”, ông Chính nhấn mạnh.

Còn đại diện giới chủ doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, chia sẻ về mức tăng lương 7,3% là “nỗ lực, cảm thông rất lớn của giới chủ với người lao động”. Phương án VCCI đưa ra chỉ là tăng từ 4 đến 5%. Thực tế hiện nay doanh nghiệp tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Chỉ với một thay đổi nhỏ có thể gây nguy cơ “tồn tại” hoặc “không còn tồn tại” của doanh nghiệp. Theo ông Phòng, mức tăng này cũng thúc ép doanh nghiệp thay đổi quản trị, công nghệ, tăng năng suất để tăng cạnh tranh. 

Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 là từ 180.000 đồng - 250.000 đồng/tháng; Cụ thể:

- Tăng 250.000 đồng/tháng đối với vùng 1 (hiện 3,5 triệu đồng/tháng);

- Tăng 220.000 đồng/tháng đối với vùng 2 (hiện 3,1 triệu đồng/tháng);

- Tăng 200.000 đồng/tháng đối với vùng 3 (hiện 2,7 triệu đồng/tháng);

- Tăng 180.000 đồng/tháng đối với vùng 4 (hiện 2,4 triệu đồng/tháng).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm