Giới trẻ châu Âu: Tách bạch tài chính khi sống chung

07/11/2018 - 07:34
Giới trẻ châu Âu thường khá minh bạch trong vấn đề tài chính. Mặc dù vậy, các thế hệ trước đây khi sống chung thường không đề cập đến vấn đề này rõ ràng, chi tiết. Điều đó dễ dẫn đến va chạm, xung đột, nhất là khi xu hướng hiện đại sống chung mà không kết hôn.
Theo nhiều cặp đôi thuộc thế hệ Millennials: “Khi bắt đầu sống chung mà chưa kết hôn, bạn đừng nên kết hợp tài chính. Còn khi đã kết hôn, bạn cũng nên giữ phần lớn chi phí của mình để bảo vệ bản thân đề phòng trường hợp phải chia tay”.
 
Chính vì lẽ này, xu hướng sống chung không kết hôn và minh bạch, cân bằng tài chính là điều khoản bắt buộc khi các bạn trẻ quyết định về sống chung một nhà. Các chuyên gia cũng khuyên các cặp đôi nên tách bạch tài chính khi bước vào mối quan hệ chung sống theo các phương pháp dưới đây:
 
Xác định chi phí sẽ cùng chia sẻ
Trước tiên, bạn cần phải xác định các chi phí mà bạn sẽ chia sẻ trong sinh hoạt gia đình. Ví dụ, bạn sẽ cần phải chia tiền thuê nhà, các phí sinh hoạt và thực phẩm. Hai người cần ngồi lại với nhau, bàn bạc về các khoản chi phí và thống nhất về số tiền các bạn sẵn sàng trả cùng nhau.
Ảnh minh họa

 

Đặt mức tiền đóng góp phù hợp
Một số người sẽ nói rằng bạn nên nộp 50% chi phí cho ngân sách gia đình kể từ khi các bạn sống chung với nhau và chia tách chi phí. Thế nhưng, đây không phải là cách tốt nhất để làm điều này. Thông thường, hai người có thu nhập khác nhau. Nếu làm theo cách này sẽ gây khó khăn cho người kiếm được ít tiền hơn. Vì thế, việc đóng góp cùng một tỷ lệ phần trăm dựa trên thu nhập của mỗi người là cách hợp lý nhất. Bằng cách này, cả hai bạn có thể đóng góp vào quỹ hưu trí cũng như trang trải các chi phí khác mà không bị ảnh hưởng đến số tiền đóng góp hàng tháng cho chi phí gia đình.
 
Mở tài khoản chi phí sinh hoạt gia đình
Bạn nên mở một tài khoản riêng cho chi phí gia đình. Cả hai người đều ký tên trên tài khoản và cùng gửi tiền vào tài khoản đó để thanh toán các hóa đơn hàng tháng. Điều này sẽ bảo vệ tài chính của bạn và mọi thứ trở nên dễ dàng hơn nếu các bạn chia tay trong tương lai.
Ảnh minh họa

 

Quản lý tốt ngân sách riêng
Bạn nên thiết lập ngân sách riêng để kiểm soát các chi tiêu của mình. Việc làm này rất quan trọng bởi nó có thể giúp bạn thoát khỏi cảnh nợ nần. Khi ngân sách còn, bạn tiếp tục theo dõi các khoản đóng góp cho quỹ hưu trí và ngăn cản bạn lâm vào tình trạng tài chính xấu. Mặt khác, bạn có thể kiểm tra ngân sách hàng năm để đảm bảo bạn đang hướng tới việc đạt được mục tiêu tài chính của mình.
 
Vấn đề tế nhị nhưng cần thiết
Các cặp đôi trẻ đang chung sống chưa kết hôn cho biết, điều quan trọng là biết cách quản lý chi phí riêng. Theo họ, không nên mua chung những tài sản lớn như mua nhà hoặc xe hơi khi chưa kết hôn chính thức. Bởi nếu không may chia tay, việc tách ra sẽ rất khó khăn. Theo các chuyên gia, vấn đề tế nhị này hết sức cần thiết dù nó có thể hơi khó nghe nhưng các cặp đôi hiện tại chung sống đều rất thực tế, họ cần lường trước mọi vấn đề và chính sự thành thật này lại càng khiến mối quan hệ của họ thêm bền chặt.
 
Thậm chí, nhiều cặp đôi còn cho biết, nếu kết hôn, họ sẽ càng thận trọng trong vấn đề tách bạch tài chính. Ví dụ: Chi phí gia đình sẽ thêm vào các khoản mục như chi phí chăm sóc trẻ em, bao gồm sách vở, thực phẩm, quần áo, chăm sóc y tế và chi phí chăm sóc hàng ngày.
 
Chính những điều này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn nếu không may buộc phải chia tay, nó cũng sẽ cho phép bạn tập trung vào những điểm yếu ngân sách của riêng bạn, thay vì nhìn vào cách đối tác của bạn tiêu tiền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm