Giữ lửa gia đình trong thời Covid-19

Nhật Lam
18/06/2021 - 17:06
Giữ lửa gia đình trong thời Covid-19

Các gia đình nghệ sĩ chia sẻ tại sự kiện trực tuyến "Ngày hội Gia đình yêu thương" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức sáng 18/6/2021

Tại sự kiện trực tuyến "Ngày hội Gia đình yêu thương" do Hội LHPN Việt Nam tổ chức sáng nay (18/6), TS.Bác sĩ Phạm Văn Đếm (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cùng một số khách mời đã mang đến những câu chuyện xúc động, qua đó gửi gắm thông điệp giản dị nhưng ý nghĩa về giữ lửa hạnh phúc gia đình.

"Giữ lửa gia đình là bù đắp thiệt thòi cho vợ, cho con"

Tết Nguyên đán năm 2021 đối với TS.BS Phạm Văn Đếm là một cái Tết khó quên khi anh phải xa gia đình để đến tâm dịch Hải Dương làm nhiệm vụ. Chính vì vậy, bất cứ khi nào có cơ hội, anh đều tìm mọi cách bù đắp thiệt thòi cho gia đình thân yêu của mình.

BS Phạm Văn Đếm cùng đồng nghiệp tham gia tình nguyện chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 2 Hải Dương - tâm dịch của cả nước thời điểm ấy. Thời khắc mọi người đều được ở bên gia đình khi Tết đến xuân về lại là lúc anh phải xa vợ con, khiến bác sĩ không thể nào quên.

"Tham gia chống dịch, với tôi đây vừa là trọng trách vừa là vinh dự. Ban đầu, tất cả anh em trong đoàn đều cảm thấy hồi hộp, lo lắng, thứ nhất vì đi vào tâm dịch, thứ hai lại gần Tết, tâm lý không ai muốn xa nhà. Tuy nhiên, được sự động viên chia sẻ của hai bên gia đình, đặc biệt là vợ con ủng hộ, chúng tôi quyết tâm và lạc quan hơn", anh nhớ lại.

Giữ lửa gia đình trong thời Covid-19 - Ảnh 1.

TS.BS Phạm Văn Đếm (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ cách giản dị để giữ lửa hạnh phúc gia đình. Ảnh: D.H

Thời gian ở Hải Dương, có lẽ thời điểm nhớ nhà nhất là đêm Giao thừa mà theo lời bác sĩ Phạm Văn Đếm là "anh em cảm thấy chùng xuống". Những cuộc gọi video, những lời chúc qua màn hình smartphone liên tục của người thân đã thu hẹp rất nhiều khoảng cách giữa các chiến sĩ áo trắng và gia đình, tiếp thêm động lực để họ tập trung hơn và nhiệm vụ chính của mình.

Khi được hỏi, đặc thù công việc phải xa nhà nhiều, đâu là cách để giữ lửa gia đình, bác sĩ Phạm Văn Đếm trả lời rất dung dị, đó là dành mọi thời gian để bù đắp thiệt thòi cho vợ, cho con, bằng mọi cách có thể

"Lúc nghỉ ngơi sau giờ trực, tôi tìm cách chia sẻ, bù đắp lại cho vợ như đi chợ, nấu cơm, đi đón con… Ngày nghỉ cuối tuần thì dành hết thời gian cho gia đình để tăng sự gắn kết. Những hôm không ăn cơm ở nhà được thì qua zalo, gọi điện thì kết nối chia sẻ với nhau nhiều hơn, nói chung là bằng mọi cách có thể!", bác sĩ Phạm Văn Đếm bộc bạch.

"Vì Covid-19, mâm cơm gia đình bị xẻ làm đôi!"

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Hoa Hữu Vân - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) - đã đưa ra những phân tích về tác động của Covid-19 đến hạnh phúc gia đình.

Ông Vân nhìn nhận, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, nhiều người không có việc làm, con trẻ không thể đến trường. 

Theo ông Vân, ở một mặt nào đó vẫn có những tác động tích cực: bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên dường như được duy trì một cách thường xuyên hơn. Cha mẹ có cơ hội để quan tâm đến con cái nhiều hơn, gần gũi với con hơn. Vợ chồng trò chuyện, chia sẻ với nhau nhiều hơn và mỗi người hình như gắn bó hơn gia đình mình.

Giữ lửa gia đình trong thời Covid-19 - Ảnh 2.

Ông Hoa Hữu Vân, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL), chia sẻ tại sự kiện-19. Ảnh: D.H

Nhưng mặt khác, dịch Covid-19 khiến hầu hết gia đình bị đảo lộn đời sống. "Thu nhập suy giảm mà tiêu tốn nhiều hơn. Cả người lớn và con trẻ đều chịu áp lực tâm lý. Đây là những nhân tố tác động tới mối quan hệ trong gia đình, gây không ít mâu thuẫn xung đột", ông Vân nói.

Ông Hoa Hữu Vân dẫn một số con số "biết nói" trong thời gian giãn cách xã hội: tình trạng bạo lực gia đình tăng lên, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em; Số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo lực đến đường dây nóng của Hội LHPNVN tăng 50%; số lượt người được tham vấn tại Ngôi nhà bình yên của TƯ Hội tăng 7 lần; số nạn nhân được hỗ trợ, giải cứu được tiếp cận Ngôi nhà bình yên tăng 80%.

Hay một khảo sát nhanh do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam vừa công bố, trong thời gian giãn cách, các gia đình ở nhà thường xuyên hơn thì có tới 48% trẻ em bị mắng - một hình thức bạo lực; 8% trẻ em bị đánh; 32% trẻ em có cảm nhận cha mẹ không quan tâm…

Đặc biệt, đối với gia đình công nhân, hệ lụy còn nhiều bất ổn hơn theo đánh giá của ông Hoa Hữu Vân. Covid-19 ập đến, hàng triệu công nhân mất việc làm, doanh nghiệp lao đao vì đình chỉ sản xuất. Vợ/chồng mất việc, thay nhau trông con, kéo dài hàng tuần hàng tháng khiến nhiều người phải gửi con về quê. 

"Vì Covid-19, mâm cơm gia đình bị xẻ làm đôi. Cha mẹ xa con, nhà ở thì chật chội, kinh tế suy giảm, chi phí sinh hoạt tăng… đây chính là áp lực xảy ra trong gia đình họ", ông phân tích.

Để vượt qua những khó khăn này, ông Vân khẳng định, sự sẻ chia, tôn trọng trong gia đình là yếu tố quan trọng để giữ lửa hạnh phúc, cùng với đó là sức khỏe, kinh tế. "Cùng với các giải pháp mà Đảng và Nhà nước đưa ra như thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tiêm phòng vaccine…, theo tôi cần trang bị thêm kỹ năng sống cho từng gia đình. Bộ VHTT&DL đã ban hành chương trình giáo dục quốc gia, trong đó có chuyên đề về kỹ năng sống nhằm giúp các gia đình giải quyết các mâu thuẫn xung đột… Đấy là những giải pháp tôi cho rằng là căn cơ", ông Hoa Hữu Vân khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm