pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giúp con giảm áp lực trước kỳ thi vào lớp 10

Phụ huynh lo lắng, căng thẳng thái quá chỉ khiến con thêm áp lực. Ảnh minh họa
Cha mẹ căng thẳng hơn cả con
Chị Bùi Thị Phương (Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con chị đang học lớp 9 và mất tự tin do môn Toán quá khó, cộng với một thời gian dài học online khiến con không tập trung, hổng kiến thức. "Con có tâm lý buông xuôi tất cả các môn, chứ không với riêng môn Toán. Thậm chí có những môn điểm của con còn dưới trung bình. Vợ chồng tôi đã nghĩ con lười học, không cố gắng nên thường xuyên quát mắng, gây áp lực với con. Tôi nhận thấy, vợ chồng tôi cũng căng thẳng khi nhìn vào kết quả học tập của con"- chị Phương chia sẻ.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các tỉnh, thành phố lớn vốn căng thẳng hơn cả thi đại học vì tỷ lệ chọi cao
Tuy nhiên, đến khi bất ngờ thấy con gặm mòn vẹt cả mười đầu móng tay, tóc trụi cả mảng da đầu lớn chị mới tá hỏa nghĩ rằng hình như vợ chồng chị đã làm sai cách. Đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý để tham vấn, chị vẫn không thể tin được khi biết con mình bị stress quá độ và rơi vào trầm cảm ở mức độ khá nặng.
"Lúc đó tôi không nghĩ gì nhiều đến kỳ thi nữa, mong muốn duy nhất của tôi là có thể giúp con thoát khỏi trầm cảm và sống mạnh khỏe trở lại. Không thi được vào lớp 10 trường công lập thì học dân lập, không thì học nghề, có nhiều con đường con tôi có thể đi, nếu con khỏe mạnh"- chị Phương bày tỏ.
Chị Trần Hà Lan (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) có con trai là Nguyễn Hữu Thái, đang học lớp 9. Thái vốn là học sinh khá giỏi trong nhiều năm nên vợ chồng chị Lan đặt nhiều kỳ vọng vào con. Mục tiêu của Thái là phải thi đỗ trường chuyên, không chấp nhận trường thường. Chồng chị thường xuyên nhắc con "Con phải vào trường chuyên mới có tương lai!".
Lịch học thêm của Thái dày đặc vào tất cả các buổi tối, cuối tuần lại gia sư mấy ca từ sáng đến tối. Thái "cắm đầu" học, không biết đến giải trí, không giao lưu với bạn bè. Lũ trẻ khác có thời gian rảnh còn cầm điện thoại lướt web, nghe nhạc, nhưng những thú vui đó hoàn toàn vô nghĩa với Thái.
Dù học ngày học đêm, nhưng khi kết quả học tập của Thái không được như kỳ vọng, bố cậu quay sang chi chiết con khiến cậu rất thất vọng. Thái dần rơi vào trạng thái bất an, với các biểu hiện mất ngủ, chán ăn và không muốn học. Khi giáo viên tư vấn với phong độ không ổn định như vậy, Thái không nên mạo hiểm thi trường chuyên, cha mẹ cậu đã nổi trận lôi đình với con vì "phí cơm gạo bao năm mà không làm nên trò trống gì!".
Những câu chuyện như trên không phải hiếm gặp, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM- nơi mà kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vốn căng thẳng hơn cả thi đại học vì tỷ lệ chọi cao, chỉ tiêu vào trường THPT công lập thấp.
Trong những câu chuyện buồn liên quan đến những đứa trẻ phần lỗi đến từ phụ huynh chiếm khá nhiều. Không ít cha mẹ quên mất rằng con mình không phải cỗ máy chỉ để phục vụ mục đích thi cử. Cũng không ít trường hợp bố mẹ sụp đổ khi con không thực hiện được mục tiêu họ đề ra vì họ coi thành tích của con như "vật trang trí" có thể khoe với mọi người… Kỳ vọng của cha mẹ đã biến thành áp lực đè nặng trên đôi vai con cái.
Giảm kỳ vọng
Đây là điều mà nhiều chuyên gia tâm lý học đường đã đề cập tới, dựa trên chính những trường hợp mà họ tiếp xúc.
ThS. Chuyên gia trị liệu tâm lý Vũ Thu Hà từng chia sẻ với PV Báo Phụ nữ Việt Nam, kỳ thi này thường tạo ra căng thẳng không chỉ cho học sinh mà còn cho cả phụ huynh, do tỷ lệ chọi cao và kỳ vọng lớn từ gia đình. Việc học quá căng thẳng, thiếu thời gian nghỉ ngơi, và thức khuya ôn luyện có thể dẫn đến trạng thái chán nản, căng thẳng, và mất động lực học tập. Điều này có thể khiến học sinh kiệt sức và buông xuôi việc học.
ThS Vũ Thu Hà cũng chia sẻ về những trường hợp học sinh bị trầm cảm do áp lực học tập quá lớn. "Sự áp đặt quá mức có thể khiến trẻ mất đi ước mơ, khát vọng và khả năng tự quyết định trong cuộc sống". Bà cho rằng, các phụ huynh nên lắng nghe và thấu hiểu con cái, thay vì chỉ đặt kỳ vọng cao.
Việc tạo ra một môi trường học tập thoải mái, khuyến khích con tự lập kế hoạch học tập và nghỉ ngơi hợp lý rất quan trọng. Bà cũng lưu ý rằng việc ép buộc con cái theo đuổi trường lớp theo ý muốn của cha mẹ, mà không tôn trọng ước mơ và sở thích của con, có thể gây tổn thương tâm lý và dẫn đến những hậu quả lâu dài.
Phụ huynh bình tĩnh, tích cực sẽ truyền được năng lượng tích cực cho con. Lo lắng, căng thẳng thái quá chỉ khiến con thêm áp lực.
Những điều phụ huynh nên làm để giảm áp lực thi cử cho con
- Lắng nghe và thấu hiểu, tôn trọng ước mơ và sở thích của con. Tránh áp đặt quá mức, để con có thể phát triển theo khả năng và sở thích riêng. Khuyến khích con tự quyết định trong việc chọn trường lớp, đồng thời hỗ trợ chúng trong quá trình đó.
- Ăn uống, ngủ nghỉ điều độ giúp con giữ sức khỏe để học tốt hơn. Thỉnh thoảng nên cho con đi dạo, tập thể dục hoặc làm điều con yêu thích để giảm căng thẳng.
- Động viên thay vì chỉ trích: Dù kết quả thi thế nào, hãy ghi nhận nỗ lực của con.
- Giúp con nhận thức đúng về thất bại: Thất bại không phải là kết thúc, mà là cơ hội để học hỏi và phát triển. Giúp con hiểu rằng mỗi kết quả đều có giá trị và không nên quá lo lắng về điểm số.