Giúp con “nhẹ nhàng” đi qua tuổi dậy thì

Hoàng Lan
08/05/2025 - 15:25
Giúp con “nhẹ nhàng” đi qua tuổi dậy thì

Chị Bùi Thị Hải Yến (phải) và con gái. Ảnh: NVCC

Chị Bùi Thị Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam, là mẹ của bé gái 14 tuổi và bé trai 12 tuổi, chia sẻ bí quyết đồng hành cùng các con ở tuổi dậy thì.

Chị Hải Yến cho biết, giống như nhiều trẻ đồng lứa khác, khi bước vào tuổi dậy thì, con gái chị cũng gặp phải những diễn biến thay đổi về tâm sinh lý. Con cũng có những điều bối rối, những thứ cảm thấy rất tò mò, thắc mắc. 

Và cảm xúc của con cũng thay đổi một cách thất thường hơn. Việc quản trị cảm xúc có sự thách thức, khó khăn hơn. Những cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là sự nóng giận, khó chịu, bức bách dễ bột phát hơn, khó điều chỉnh và thất thường hơn so với giai đoạn trước đó.

Chị cũng vẫn nhận thấy rõ ở con sự hình thành của một "thế giới riêng". Con bắt đầu muốn tự mình giải quyết các vấn đề, thích tự lập và có nhu cầu được tôn trọng, được ghi nhận - điều rất phổ biến ở tuổi mới lớn. Lúc ấy, con giữ cho riêng mình nhiều bí mật, chỉ chia sẻ với nhóm bạn thân thay vì với mẹ. 

Chị Yến có chút bối rối song không quá ngạc nhiên, vì đó là điều tự nhiên của quá trình trưởng thành. Sau này, khi con đã cởi mở hơn và kể lại những câu chuyện trong giai đoạn đó, chị hiểu rằng: "Lúc ấy, với con, những điều đó là riêng tư cần được tôn trọng".

Chị cũng tôn trọng cả không gian riêng của con. Chẳng hạn như khi vào phòng con, chị luôn gõ cửa. Chị Hải Yến cũng đưa ra những quyết định phù hợp với giai đoạn phát triển của con. Ví dụ, chị cho con gái sở hữu điện thoại từ lớp 7, vì hoạt động học tập ở trường có nhiều yêu cầu sử dụng smartphone. 

Nhưng quan trọng nhất, chị luôn tự nhắc nhở bản thân: không kiểm tra điện thoại của con, không xâm phạm vào đời sống riêng tư của con. Từ đó đến nay - khi con đang học lớp 8 - chị chưa từng xem điện thoại của con bởi chị hiểu rằng, ở độ tuổi này, điều con cần là sự tin tưởng.

Theo chị Hải Yến, khi con bước vào tuổi dậy thì, cha mẹ cần xác định vai trò của mình là phải đồng hành và hỗ trợ để con có thể vượt qua giai đoạn này một cách an toàn và tích cực. Bởi đây là thời điểm con bắt đầu cảm nhận những thay đổi mới mẻ trong cơ thể, kèm theo đó là sự tò mò và nhu cầu tìm hiểu rất lớn- đặc biệt là về giới tính, về cơ thể và các vấn đề cá nhân.

Theo chị, nếu cha mẹ không đủ tinh tế để kiểm soát cảm xúc và phản ứng đúng cách, rất dễ khiến con cảm thấy ngại ngần, e dè khi muốn chia sẻ. Nhất là khi con bắt đầu có nhu cầu được công nhận là người trưởng thành, muốn giữ cho riêng mình một thế giới riêng. 

Hai yếu tố này kết hợp lại càng khiến con khép kín hơn với bố mẹ và ít chia sẻ hơn trước rất nhiều.

Chị Yến từng có lúc tự trách bản thân, nghi ngờ rằng mình chưa đủ hiểu con. Nhưng rồi chị quan sát con kỹ hơn: Con vẫn học tập ổn định, mối quan hệ bạn bè tốt, cách cư xử với gia đình không thay đổi. 

Và khi lắng nghe con nhiều hơn, chị hiểu được lý do con chọn những màu sắc đó là vì cảm xúc, cá tính của con đang phát triển thì chị cũng dần buông bỏ sự lo lắng. Chị học cách chấp nhận con, đồng hành cùng con trong giai đoạn đó để cả hai mẹ con đều trưởng thành hơn.

Sau vài tháng, mọi chuyện dần trở nên nhẹ nhàng. Cuộc sống của hai mẹ con ổn định trở lại. So với nhiều bạn cùng tuổi, chị đánh giá con gái chị trải qua tuổi dậy thì khá nhẹ nhàng. Ngay cả bây giờ, con cũng chia sẻ rằng con đã bước qua giai đoạn ấy một cách ổn thỏa. 

Con không có những biểu hiện ương bướng, phản kháng hay cãi lời bố mẹ, cũng không rơi vào trạng thái khép mình hay khủng hoảng tâm lý.

Chia sẻ với những người cha, người mẹ đang có con ở độ tuổi dậy thì, đặc biệt là khi con có những khó khăn, khủng hoảng tâm lý ở tuổi dậy thì, chị Yến cho rằng, trước tiên cha mẹ cần phải có sự chủ động trong việc tìm hiểu tâm sinh lý lứa tuổi. Ngoài ra, trong bất kỳ tình huống nào, cha mẹ cũng cần phải có thái độ tôn trọng con.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm