Giúp hội viên giảm nghèo với sáng kiến trồng cà phê xứ lạnh

11/11/2017 - 09:03
Từ việc thành lập mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh, chị Y Ró – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Măng Cành (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã giúp các gia đình dân tộc thiểu số mang lại thu nhập khá cao so với các loại cây trồng khác.

Chia sẻ về ý tưởng thành lập mô hình, chị Y Ró cho biết, năm 2012, thực hiện chỉ đạo của Hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum trong việc khuyến khích các chi hội ở cơ sở thành lập các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, chị đã chọn xây dựng mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh. Bởi, cà phê xứ lạnh vốn dĩ được chọn là loại cây giảm nghèo bền vững của địa phương, trước đó, nhiều gia đình trồng cà phê nhưng do trình độ, nhận thức còn hạn chế nên việc chăm sóc, thu hái sản phẩm quả chín không đảm bảo dẫn đến tình trạng bị thương lái ép giá.

  “Khi mới thành lập, mô hình thu hút 6 thành viên tại 2 thôn Kon Chênh và Kon Năng. Trước đây, người dân chỉ trồng mì, trồng bắp, nhưng nhờ sáng kiến của tôi, các thành viên trong Tổ liên kết đã mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi sang trồng cà phê xứ lạnh, hộ trồng nhiều nhất 2,5 ha, ít nhất cũng được 1 ha”, chị Y Ró cho biết.

Chị Y Ró (thứ 2 từ trái sang) và các thành viên trong tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh.

 Tham gia vào mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh, ngoài việc được tạo điều kiện để tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cà phê, chị Y Ró còn vận động hội viên, phụ nữ thu hái cà phê đạt tỉ lệ quả chín từ 90% trở lên, vừa đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng, vừa tăng thu nhập cho hộ dân.

Chị Y The, thôn Kon Chênh cho biết, khi chưa tham gia vào mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh, gia đình chị cũng đã trồng 1 ha cà phê. Trông chờ vườn cà phê sẽ giúp gia đình giảm nghèo, nhưng đến khi cây trồng cho thu hoạch thì giá cả bán ra hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Có niên vụ cà phê bán ra chỉ ở mức 2.000 đồng/ký cà phê tươi. “Từ khi thu hái cà phê với tỉ lệ quả chín 90% trở lên theo vận động của Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê, giá bán ra tăng 3 lần. Năm 2014, gia đình tôi chính thức thoát được nghèo”, chị Y The chia sẻ.

Vườn cà phê thu trái bói của chị Y The ở thôn Kon Chênh.

Năm 2015, hộ phụ nữ nghèo còn lại duy nhất trong Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh cũng đã thoát được nghèo nhờ cách làm này. Không chỉ vậy. nhờ sự hỗ trợ của chị Y Ró, các hộ gia đình tham gia trồng cà phê xứ lạnh ở xã Măng Cành dần mua sắm được các vật dụng tiện ích trong gia đình, cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Nhận thấy được hiệu quả của mô hình, chị Y Ró luôn cố gắng, nỗ lực để ý tưởng của mình ngày càng được triển khai rộng rãi. Đến nay, toàn xã Măng Cành đã có 75% hội viên, phụ nữ chuyển đổi sang trồng cà phê xứ lạnh.

“Điều đặc biệt hơn là đến nay, đa số các hộ gia đình 2 thôn Kon Chênh và Kon Năng đều đảm bảo thu hái cà phê tỉ lệ quả chín trên 90%. Nhìn thấy cuộc sống của chị em mỗi ngày một thay đổi, thu nhập ổn định, tôi cảm thấy tất cả những gì mình đã và đang theo đuổi thực sự có ý nghĩa. Trong thời gian tới, tôi cùng với Hội Phụ nữ xã và các thành viên trong mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh sẽ tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ các thôn còn lại trên địa bàn xã cùng tham gia mô hình, giúp chị em phụ nữ nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”, chị Y Ró chia sẻ.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm