pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giúp ông bà thích nghi với cuộc sống ở thành phố cùng con cháu

Ảnh minh họa
Việc chuyển từ cuộc sống thoáng đãng, tự do ở quê lên thành phố đông đúc, chật chội, gò bó không phải điều dễ dàng. Nhiều người già cảm thấy tù túng vì không có vườn tược để chăm sóc, không có hàng xóm để chuyện trò, con cháu thì bận rộn cả ngày, thậm chí bữa cơm cũng không hợp khẩu vị.
Làm thế nào để thích nghi với cuộc sống mới, giữ được tinh thần thoải mái và tận hưởng tuổi già một cách nhẹ nhàng?
1. Chấp nhận sự khác biệt
Điều đầu tiên mà cha mẹ già cần chuẩn bị khi lên thành phố là tâm thế chấp nhận sự khác biệt. Ở quê, mỗi sáng mở cửa là thấy hàng xóm, có thể ra đầu ngõ uống trà, đi chợ trò chuyện, trồng rau nuôi gà.
Nhưng ở thành phố, cuộc sống riêng tư hơn, hàng xóm nhiều khi chỉ chào hỏi xã giao. Không gian sống cũng khác hẳn, không có sân vườn, muốn trồng cây cũng khó.
Bà Lý, 72 tuổi, quê Nam Định, từng rất chật vật khi lên Hà Nội sống với con trai. Ở quê, bà quen dậy sớm quét sân, pha trà mời hàng xóm. Còn ở nhà con, hàng xóm thì đóng cửa kín mít. Bà từng rơi vào trầm cảm vì thấy mình cô đơn, lạc lõng.
Các con của bà đã phát hiện kịp, hướng dẫn bà tham gia câu lạc bộ dưỡng sinh ở công viên gần nhà, làm quen với những người bạn mới, dần dần bà mới cân bằng lại được.
2. Tìm niềm vui từ những điều nhỏ bé
Ông Hùng, 75 tuổi, quê Thanh Hoá, trước đây thấy việc lên mạng là chuyện "chỉ bọn trẻ con mới làm". Nhưng từ khi học cách dùng điện thoại thông minh, ông có thể gọi video với họ hàng ở quê, xem các bài tập dưỡng sinh trên Youtube, thậm chí còn biết đặt hàng online. Ông thấy mình không lạc hậu so với con cháu.

Ảnh minh họa
Ngoài việc học sử dụng công nghệ, cha mẹ già có thể tìm niềm vui mới phù hợp với môi trường sống ở thành phố...
Trồng cây trong nhà: Nếu yêu thích cây cối, có thể trồng một vài chậu rau nhỏ trên ban công hoặc một vài cây xanh trong nhà. Điều này không chỉ giúp không gian sống thêm tươi mát mà còn mang lại cảm giác thư giãn.
Đi bộ trong công viên: Nếu gần nhà có công viên hoặc khu đi bộ, hãy tạo thói quen ra ngoài hít thở không khí trong lành, vận động nhẹ nhàng.
Kết nối với cộng đồng người già: Ở các khu chung cư, nhiều nơi có hội người cao tuổi hoặc câu lạc bộ phù hợp với người cao tuổi. Đây là cơ hội để người già gặp gỡ, giao lưu, tránh cảm giác cô đơn.
3. Cởi mở và bao dung với con cháu
Nhiều cha mẹ già cảm thấy tủi thân vì con cháu ở thành phố quá bận, ít thời gian trò chuyện. Nhưng hãy hiểu rằng nhịp sống ở thành phố rất căng thẳng, con cháu không hờ hững mà chỉ đơn giản là có quá nhiều việc phải gánh vác.
Nếu có thể, ông bà hãy chủ động tạo cơ hội trò chuyện vào những lúc cả nhà cùng thư giãn, thay vì trách móc hay đòi hỏi sự quan tâm theo cách mình mong muốn.
Nếu con cái có những thói quen sống khác như ngủ muộn, ăn uống nhanh gọn, không duy trì những lễ nghi truyền thống như ở quê, hãy cởi mở chấp nhận, miễn sao vẫn giữ được sự tôn trọng lẫn nhau.
Bà An, 68 tuổi, từ Nghệ An vào TPHCM sống với con trai, từng giận dỗi vì con cháu đi làm suốt ngày, ăn uống qua loa, không ai hỏi han mình nhiều. Sau một lần được con dâu giải thích về công việc áp lực thế nào, bà đã thay đổi.
Thay vì trách các con, bà chủ động nấu bữa tối rồi ngồi xem phim cùng cả nhà, chấp nhận sự khác biệt để tìm niềm vui trong đó.
4. Giữ sự tự chủ và tạo giá trị cho bản thân
Một trong những điều khiến người già cảm thấy lạc lõng khi lên thành phố là không biết làm gì cả ngày. Để tránh cảm giác đó, hãy giữ sự tự chủ nhất có thể:
Nếu còn khỏe, có thể giúp con cháu một số việc nhà như nấu ăn, trông cháu. Nhưng đừng ôm hết việc vào người, hãy giữ thời gian cho bản thân.
Nếu thích, có thể tham gia các lớp học dành cho người lớn tuổi như khiêu vũ, đàn hát, đọc sách ở thư viện.
Nếu có đam mê riêng như đan len, làm đồ thủ công, nấu ăn, hãy duy trì những sở thích ấy để thấy mình vẫn có giá trị.
5. Duy trì kết nối với quê hương
Hãy giữ liên lạc với bạn bè, hàng xóm ở quê qua điện thoại hoặc những chuyến về quê định kỳ. Nếu có thể, hãy rủ con cháu về quê vào dịp lễ Tết để các thế hệ cùng gắn kết. Điều này không chỉ giúp cha mẹ vơi bớt nỗi nhớ quê mà còn giúp con cháu hiểu hơn về cội nguồn.
Điều quan trọng nhất là đừng để mình rơi vào trạng thái cô đơn hay bị động mà hãy chủ động tạo ra những giá trị và niềm vui mới cho chính mình thì dù ở đâu cùng người thân, miễn là trong lòng thanh thản, thì nơi đó vẫn là nhà!