Ngày 3/10, trên sườn đồi Poboya ở ngoại ô thành phố Palu, đảo Sulawesi (Indonesia), chị Surianti đứng cạnh chiếc xe tải chở những túi đựng thi thể để chờ nói lời vĩnh biệt với chồng. Chồng chị là 1 trong 1.407 nạn nhân thiệt mạng sau động đất và sóng thần càn quét thành phố Palu ngày 28/9.
Mùi từ các thi thể phân hủy bao trùm không khí nhưng Surianti vẫn lặng lẽ đứng chờ cho đến khi chiếc túi màu vàng đựng thi thể chồng mà chị đã cẩn thận đánh dấu được đưa xuống. Khi các nhân viên đưa thi thể xuống chiếc hố đầy bụi bặm đã được đào sẵn, Surianti chạy theo. Đó là người đàn ông chị đã gắn kết cả cuộc đời và bây giờ chị đưa tiễn anh đến nơi an nghỉ cuối cùng.
"Cô cảm thấy ổn không khi chúng tôi chôn anh ấy ở đây?", một nữ quan chức hỏi.
"Không, tôi muốn đưa anh ấy về nhà", chị Surianti trả lời và vụt chạy xuống nơi người ta chuẩn bị chôn chồng mình.
Chị Surianti muốn đưa chồng về nhà nhưng nguy cơ dịch bệnh buộc chị phải chấp nhận chôn cất anh trong một ngôi mộ tập thể trên sườn đồi. Anh phải nằm lại cùng hàng nghìn người khác cũng thiệt mạng trong động đất, sóng thần. Ngôi mộ tập thể là nơi an nghỉ cuối cùng của chồng chị và nhiều nạn nhân xấu số khác.
Khi thi thể chồng được đặt cạnh những nạn nhân khác dưới mộ, chị yêu cầu được cầu nguyện cho chồng. Surianti thì thầm vài từ và sau đó người điều khiển máy xúc lấp đất lên thi thể chồng cô. Khoảnh khắc ấy, Surianti nhìn theo và bật khóc. Chẳng có một ngôi mộ riêng để thăm viếng, chị Surianti chồng đá lên trên và dùng một cái que để đánh dấu vị trí của chồng.
"Tôi không còn gì. Chồng mất, nhà cửa bị phá hủy, chỉ còn lại tôi và con gái", chị chia sẻ.
Chị Surianti hiện sống trong một trại tị nạn tạm bợ cùng chị và con gái sau khi nhà chị bị phá hủy hoàn toàn. Khi phóng viên theo chân chị Surianti, họ chứng kiến nơi từng là ngôi làng của chị đã biến thành một vùng đất hoang tàn, lầy lội. Chị Surianti cho biết, động đất đã khiến đất nơi đây bị hóa lỏng, hủy diệt hàng trăm người, trong đó có cả chồng chị.
"Khi anh ấy về nhà sau giờ làm việc, mặt đất rung chuyển, bùn đột nhiên xuất hiện và mọi người đều tháo chạy. Không có thời gian để mang theo bất cứ thứ gì trừ quần áo chúng tôi đang mặc", chị kể.
Đứng giữa bãi đất hoang vắng, nơi từng là nhà của mình, Surianti đau xót trước sự ra đi không lời nhắn nhủ của chồng. Mẹ con chị trở nên tay trắng, không nhà sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Không chỉ có chị Surianti, nỗi đau mất mát còn trĩu nặng trong lòng người thân của 1.407 người thiệt mạng do thảm họa kép ở Indonesia và còn nhiều người bị mất tích chưa tìm thấy.