pnvnonline@phunuvietnam.vn
Góc khuất dẫn đến ngoại tình
Ảnh minh họa
Với những người đã xây dựng gia đình thì hầu hết đều hướng tới mục tiêu xây đắp cho gia đình mình được đầy đủ, ấm êm, hạnh phúc. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn có đầy rẫy những cuộc ngoại tình với hàng ngàn lý do: Vợ chồng không hòa hợp - ngoại tình; Vợ (chồng) có những thói hư, tật xấu không thay đổi - ngoại tình; Người có tính trăng hoa - ngoại tình; Một bên vợ (chồng) cảm thấy thiếu hụt một thứ gì đó mà bên kia không đáp ứng được - ngoại tình… Thậm chí có những gia đình trông có vẻ hạnh, phúc, đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì mà vẫn có chuyện ngoại tình.
Ví như một vụ án ly hôn theo đơn của người chồng mà thực tế tôi đã từng tham gia giải quyết. Anh chồng và chị vợ quen nhau do cùng đi làm công nhân tại một nhà máy. Chị là người tỉnh xa. Anh chị yêu nhau rồi mới cưới nhau. Vợ chồng đã sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Do công việc không ổn định, kinh tế khó khăn, vợ chồng bàn nhau và thống nhất để anh chồng đi xuất khẩu lao động một vài năm, kiếm tí vốn để mong có cuộc sống tốt hơn. Chẳng ngờ, đó lại là quyết định sai lầm của cuộc đời họ. Tại lớp học tiếng trước khi đi nước ngoài, người chồng đã gặp và đem lòng yêu say đắm một người phụ nữ cùng lớp. Khi đã sang nước bạn, họ như cá gặp nước, sống chung, sinh con. Người chồng chỉ còn liên hệ về nhà vì nghĩa vụ với bố mẹ, với đứa con, còn tình nghĩa vợ chồng thì hoàn toàn phai nhạt. Hết hạn hợp đồng, về nước, anh chồng đưa mẹ con người phụ nữ kia đi một tỉnh thật xa mãi Tây Nguyên để quyết chung sống trọn đời, không còn vương vấn gì đến người vợ hiền lành, chung thủy lâu nay vẫn thay anh ta chăm sóc bố mẹ già và đứa con thơ ở quê nhà.
Trong công việc của mình, tôi đã thấy rất nhiều người phụ nữ đau đớn, tổn thương vì bị phản bội, nộp đơn ly hôn, nhưng rồi sau bao nhiêu cân nhắc, đắn đo, họ lại chấp nhận vì danh dự, niềm vui của đấng sinh thành, vì tương lai của các con mà họ lại nén lòng, giấu đi tủi nhục, rút đơn. Họ chấp nhận là người đàn bà thất bại trong tình yêu để đóng tiếp vai kịch trước người đã sinh ra họ và người mà họ sinh ra.
Từ thực tế hoạt động của mình, tôi thấy rằng, trong xã hội vẫn phổ biến quan điểm cho rằng, lỗi dẫn đến ngoại tình chung quy vẫn đổ lên vợ, dẫu rằng người ngoại tình là ông chồng.
Khi người phụ nữ đã trở thành vợ, thành mẹ, thành người con dâu thì có đến muôn vàn những trách nhiệm, nghĩa vụ đổ lên đầu họ. Ngoài việc vẫn phải hoàn thành công việc ở cơ quan hay việc kiếm tiền sinh nhai, người phụ nữ còn phải đảm đương việc nội trợ, chăm con, đối nội đối ngoại... Con không khỏe, không ngoan - tại người mẹ không biết chăm, biết dạy; Nhà không gọn gàng, sạch sẽ - tại người vợ lười làm; Kinh tế không dư dả - tại người vợ không biết thu vén; Nội ngoại, gia đình không ấm êm - tại người vợ không khéo cư xử; Vợ chồng không hạnh phúc - tại người vợ không biết lựa, chiều chồng, không biết giữ chồng… Với những quan niệm về trách nhiệm, nghĩa vụ như vậy, các thành viên khác trong gia đình mặc nhiên cho mình quyền đòi hỏi.
Tại sao nói lỗi trong các cuộc ngoại tình luôn thuộc về người vợ? Đó luôn là sự ngụy biện. Một người phụ nữ chia sẻ với anh chị em, bạn bè về thực tế người chồng đang có quan hệ ngoài luồng, họ sẽ nhận được câu hỏi, lời giải đáp: Phải xem lại mình ăn ở thế nào mà dẫn đến chuyện người chồng "chán cơm thèm phở"? Tại chị không biết giữ chồng, không biết làm cho mình đẹp, không biết làm cho mình quyến rũ, không biết làm mới tình cảm vợ chồng, không biết chia sẻ với những khó khăn, tâm tư tình cảm của chồng... Rồi khi người chồng ngoại tình, người vợ có thể tha thứ, bởi họ chịu nhẫn nhịn, hy sinh để lựa chọn cho con mình một cuộc sống ấm êm, không tan đàn xẻ nghé. Nhưng nếu kẻ ngoại tình là người vợ thì chắc gì họ đã được tha thứ? Chắc gì gia đình đó còn được toàn vẹn, bởi người đàn ông và xã hội không chấp nhận được chuyện người phụ nữ ngoại tình.
Và cứ như thế, dường như ngầm bên trong dòng tư tưởng của xã hội, người đàn ông mặc nhiên được phép, được thừa nhận ngoại tình, và người phụ nữ mặc nhiên phải nhẫn nhịn, hy sinh…