pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gói an sinh 62.000 tỷ đồng: Người thuộc diện hưởng 2 chế độ sẽ nhận hỗ trợ thế nào?
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, nhằm thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.
Quyết định này quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ những người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động.
Về việc thực hiện Quyết định 15 này có thể phát sinh những câu hỏi, băn khoăn của người dân, ví dụ có người vừa thuộc hộ nghèo vừa là đối tượng bán hàng rong, bán vé số lưu động; người thuộc hộ cận nghèo vừa bị nghỉ việc không lương; đối tượng bảo trợ xã hội cũng là lao động tự do... Một người nhưng thuộc diện hưởng 2 chế độ trở lên thì được thực hiện ra sao?
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý khi triển khai Quyết định 15, cụ thể:
Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chế độ hỗ trợ trở lên quy định tại Quyết định này (kể cả chính sách hỗ trợ đang thực hiện của địa phương nếu có) thì chỉ được hưởng một chế độ do đối tượng lựa chọn hoặc chế độ hỗ trợ cao nhất.
Bên cạnh đó, trường hợp đối tượng đã hưởng chính sách của địa phương và đủ điều kiện để hưởng chính sách quy định tại Quyết định này với mức hỗ trợ cao hơn chính sách của địa phương thì được hỗ trợ thêm phần chênh lệch.
Đối với các địa phương đã ban hành chuẩn nghèo riêng của địa phương thì áp dụng theo chuẩn nghèo của địa phương.
Một số quy trình, thủ tục nộp hồ sơ và giải quyết sẽ được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ.
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, Quyết định 15 có 7 chương 21 điều, nội dung cơ bản quy định về điều kiện và thủ tục xác nhận cho các đối tượng được nhận hỗ trợ. Với người lao động có quan hệ lao động, quy trình xác nhận chủ yếu được thực hiện bởi doanh nghiệp, người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội, Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Với các đối tượng chính sách người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, việc rà soát tổng hợp đối tượng sẽ thực hiện ở cấp huyện, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt để có thể rút ngắn thời gian thực hiện.
Với hộ kinh doanh, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, quy trình xác nhận được thực hiện tại cấp xã (có niêm yết công khai) và cơ quan thuế để đảm bảo tính chính xác.
Tất cả các đối tượng nhận hỗ trợ trực tiếp đều phải căn cứ vào danh sách phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, các đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 ngàn tỷ đồng gồm có:
Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương;
Hộ kinh doanh;
Người lao động có giao kết hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp;
Lao động tự do;
Các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo;
Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động.