GS Trần Ngọc Thêm: Tôi tin không có cải cách chữ viết nào cả

01/12/2017 - 09:59
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm- Chủ tịch Hội đồng chức danh GS ngành Ngôn ngữ học khẳng định, một nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm sẽ không bao giờ chấp nhận một đề xuất cải tiến chữ viết mang tính đảo lộn.

Một giải pháp rối rắm

Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu lĩnh vực ngôn ngữ học, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm tỏ ra không mấy bất ngờ trước đề xuất cải cách tiếng Việt của tác giả Bùi Hiền. Ông cho rằng, việc cải tiến chữ Quốc ngữ đã nói trong hơn một thế kỷ nay rồi.

“Vấn đề ở chỗ, đến nay không có một cuộc cải tiến chữ Quốc ngữ nào được thực hiện dù đã có rất nhiều đề xuất được đưa ra. Nhiều người lo lắng rằng lại sắp có một cuộc cải tiến chữ viết, lại sắp có sự xáo trộn trong giáo dục, nhưng với kinh nghiệm của mình. tôi tin tưởng rằng sẽ không có một thay đổi nào về chữ viết cả”- GS Trần Ngọc Thêm trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đưa ra nhiều ý kiến khách quan về cải cách tiếng Việt.

Với riêng đề xuất của ông Bùi Hiền, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, đây là một giải pháp rối rắm, không khả thi. Đây chỉ là ý kiến của cá nhân ông Hiền để giới khoa học xem xét và phần đông các nhà ngôn ngữ học cũng như các nhà quản lý giáo dục sẽ không đồng tình, chắc chắn nó sẽ không đi đến đâu.

Tuy nhiên, trước phản ứng có phần gay gắt quá đà của dư luận, GS Trần Ngọc Thêm cho rằng, ông rất bất bình và cảm thấy không công bằng cho cho cá nhân PGS Bùi Hiền.

Theo ông, người Việt Nam dường như rất khoái trá khi có đông người cùng hùa nhau làm một việc gì đó, trong khi mỗi người trong số đó ít suy nghĩ thấu đáo về việc đó như thế nào. Cứ có một người like là có hàng trăm cái like tiếp theo, hễ có một người ném đá thì sẽ có hàng tấn gạch đá ném theo.

“Cách ứng xử này gần như đã trở thành "đặc sản" tính cộng đồng làng xã của chúng ta và không biết đến bao giờ mới khắc phục được; trong khi các mạng xã hội lại đang trở thành một công cụ hữu hiệu tiếp tay cho thói xấu này”- ông nói.

GS Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng, điều này ở các nền văn hóa phương Tây và các nước phát triển rất hiếm khi xảy ra, vì mỗi người khi nói gì, làm gì đều có bản lĩnh để suy nghĩ và chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến của mình.

“Đối với vấn đề người ta không am hiểu thì họ sẽ im lặng để nhường lời cho các chuyên gia, còn nếu cần thể hiện thái độ thì họ trình bày quan điểm một cách bình tĩnh, khách quan, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, chứ không lăng mạ, xúc phạm”- GS Trần Ngọc Thêm nêu quan điểm.

Thay đổi chữ viết, không phải cứ muốn là được!

Có cái nhìn khách quan với đề xuất của tác giả Bùi Hiền, theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đề xuất này không phải là không có cơ sở khoa học. Cải cách theo giải pháp này căn cứ trên một số điều được gọi là bất hợp lý của chữ Việt, ví dụ việc một âm vị được biểu đạt bằng hai hoặc ba chữ cái ghép lại, cùng là một âm nhưng được thể hiện bằng nhiều chữ cái hoặc tổ hợp chữ cái khác nhau (như i/y, tr/ch/gi, v.v.). Những điều này, người ta đã nói đến từ rất lâu.

Một minh họa về cải cách ngôn ngữ của tác giả Bùi Hiền

Sự bất hợp lý của đề xuất này chính là liên quan đến mâu thuẫn giữa một bên là tính biến động của ngôn ngữ với bên kia là tính ổn định của chữ viết. Ngôn ngữ vốn luôn luôn biến động, luôn luôn thay đổi, trong khi chữ viết thì đứng yên. Do vậy ngôn ngữ nào cũng có tình trạng bất hợp lý về chữ viết so với cách phát âm, không riêng gì tiếng Việt.

Hơn nữa, chữ viết không chỉ thay đổi hàng ngày hàng giờ theo trục thời gian mà còn có sự khác biệt giữa các vùng miền theo trục không gian. Nếu người miền Bắc không phân biệt được “tr/ch/gi” thì người miền Nam lại phân biệt rất rõ. Do đó, nếu đề xuất này phù hợp với miền Bắc thì sẽ không phù hợp với miền Nam. Đặt vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ “dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn” là thiếu tôn trọng các vùng miền khác.

“Sự phân biệt chính tả “tr/ch/gi” tưởng như rắc rối vô nghĩa nhưng sẽ giúp các cô giáo dạy học trò cách phân biệt được nghĩa của các từ ngữ, nguồn gốc của từ ngữ dễ dàng hơn. Ngay cả trong tiếng Bắc thì âm [za] trong “da thịt” có ý nghĩa và nguồn gốc khác hẳn với [za] trong “gia đình”, và việc phân biệt bằng chữ viết sẽ giúp hiểu và nhớ điều này dễ hơn rất nhiều”- GS Trần Ngọc Thêm dẫn chứng.

Thay đổi thiếu thận trọng, hậu quả sẽ tồi tệ

Một điều được GS Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh là tiếng Việt đã trở thành tài sản văn hóa của dân tộc. Hình hài chữ viết đi sâu vào tiềm thức của con người. Vì thế, về mặt văn hóa, bất kỳ một cách viết nào khác nếu được áp dụng sẽ gây khó chịu, gây phản cảm.

Trong tương lai không cần thiết phải có những cải tiến lớn, mang tính đảo lộn tiếng Việt. Quan điểm của GS Trần Ngọc Thêm rất rõ ràng là trong một số lĩnh vực thì sự đổi mới là cần thiết nhưng đối với một số lĩnh vực như chữ viết, tiền tệ, giáo dục... thì sự ổn định cần thiết hơn, bởi việc thay đổi một cách thiếu thận trọng thường dẫn đến những hậu quả rất tồi tệ.

Trong lĩnh vực tiền tệ, khi kinh tế lạm phát, việc đổi tiền (bỏ bớt đi các số không phía sau) là dễ dàng và giúp giao dịch gọn gàng, nhưng sẽ gây nên tổn thất và rối loạn về nhiều mặt. Trong lĩnh vực giáo dục, việc cải cách liên miên cũng gây rối loạn cả về tinh thần, tổ chức, và tổn thất về kinh tế.

“Trong lĩnh vực chữ viết cũng hệt như vậy. Hơn thế nữa, chữ viết đã trở thành một phần của văn hóa. Đó chính là lý do vì sao trong suốt hơn một thế kỷ không có một đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ nào được thực hiện. Đó cũng là lý do vì sao chữ Anh bất hợp lý hơn chữ Việt rất nhiều lần mà đến nay vẫn được tất cả các nước nói tiếng Anh tiếp tục duy trì”- GS. Thêm nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm