GS Vũ Tuấn: “Đào tạo sư phạm theo đơn đặt hàng nghe thật buồn cười!”

29/12/2017 - 13:18
Một trong những giải pháp được Bộ GD&ĐT công bố mới đây để cứu vãn tình trạng thê thảm trong đào tạo ngành sư phạm là từ năm 2018, các trường sư phạm sẽ đào tạo theo nhu cầu, căn cứ vào đơn đặt hàng của các địa phương.

Nhiều năm là từng là Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, GS Vũ Tuấn cho rằng giải pháp này có phần buồn cười vì đi ngược quy trình quản lý. Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam sáng 29/12, GS Vũ Tuấn cho biết:

Việc vạch một kế hoạch về đào tạo là công việc của cơ quan quản lý, là điều mà Bộ GD&ĐT phải làm, dựa trên số lượng học sinh, trường, lớp… để đưa ra số liệu cần đào tạo hàng năm chứ không phải là chờ đợi địa phương đăng ký. Việc làm này hơi ngược quy trình và tôi cho rằng là thiếu hợp lý.

- Thế nhưng có sự tham vấn của địa phương, việc đào tạo sẽ sát nhu cầu thực tế hơn, thưa Giáo sư?

Đào tạo theo nhu cầu là điều mà ngành giáo dục đã làm từ xưa đến nay rồi. Nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng nơi thừa nơi thiếu? Đơn giản vì sinh viên (SV) học ra đều muốn đổ xô vào hết những “thành trì” lớn như Hà Nội, TP.HCM. Trong lúc ở thành phố thì thừa nhưng nơi xa lại thiếu rất nhiều. Đơn giản vì họ không muốn đi miền núi, nông thôn. Việc giải quyết phải là ở chỗ đó chứ không phải là câu chuyện địa phương đăng ký bao nhiêu!

Thời còn quản lý ở trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi biết rất rõ nhiều SV sau khi ra trường tìm mọi cách để “chạy chọt” ở lại Hà Nội hoặc chí ít là loanh quanh ở Hà Nội trong vài năm, sau đó lại tìm cách để “chạy” tiếp về thủ đô. Hà Nội vì thế thừa rất nhiều giáo viên nhưng chỉ cần cách trung tâm chừng 50km thôi là đã thiếu rồi! Hoặc Rất nhiều SV miền núi được cử về Hà Nội học, học xong các em không chịu về quê!

GS Vũ Tuấn, nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP có nhiều chia sẻ thẳng thắn về bất cập trong đào tạo sư phạm 

- Việc luân chuyển giáo viên thì Nhà nước có chính sách và đãi ngộ, nhưng vẫn không "hút" được giáo viên lên dạy học ở miền núi, theo Giáo sư là vì sao?

Trước đây, nhà nước có chính sách phân công luân chuyển giáo viên đi miền núi. Thế nhưng Nhà nước đã mắc một sai lầm là đưa người đi miền núi dạy học nhưng rồi “quên” hẳn họ, không đưa về nữa. Tôi đã có nhiều học trò rất giỏi giang, sáng láng, từng được phân công đi dạy ở Sơn La rồi vì lý do nào đó mà người ta “quên” luôn việc chuyển em ấy về. Cực chẳng đã các em mới phải định cư luôn ở đó.

Có thể nói làm như vậy là thất tín. Đã hứa thế nào thì phải làm đúng như thế chứ đẩy giáo viên đi rồi “quên” luôn việc đưa họ về thì làm ăn không người lớn chút nào! Nếu thực hiện đúng lời hứa, thì giáo viên họ mới vui vẻ lên đường thay vì tìm mọi cách chạy chọt để có thể được ở miền xuôi như hiện nay!

Việc cần phải làm của Bộ GD&ĐT là điều chỉnh thế nào để các địa phương có giáo viên. Vấn đề phải làm là công tác tư tưởng hoặc biện pháp hành chính để đưa thầy cô giáo đến nơi họ cần. Đấy mới là công việc cần thiết! Bộ trưởng cần phải nghĩ đến điều đó thay vì những cách làm mang tính cỏn con như vậy.

- Hiện tượng chạy chọt ở lại thành phố như Giáo sư nói dường như chứa đựng những yếu tố tiêu cực?

Tất nhiên là tiêu cực rồi! Tôi có những học trò tốt nghiệp ĐH Sư phạm khoa Toán do tôi hướng dẫn. Sau đó gặp lại, em ấy nói là vừa phải thi lại vào trường ĐH Kinh tế quốc dân. Tôi ngạc nhiên quá hỏi vì sao thì em ấy trả lời chua xót là do không đủ tiền để “chạy” vào một suất dạy học ở trường công lập, mà đó là trường công lập ở các huyện xa xôi của tỉnh, thì cũng là mấy trăm triệu rồi. Hôm trước tôi gặp một học trò cũ, tôi hỏi có phải bây giờ phải mất đôi trăm triệu mới chạy được việc? Cô ấy bảo thưa thầy bây giờ “giá” cao lên rồi, phải 300 - 400 triệu mới có một suất dạy ở Hà Nội. Tất nhiên đây là những thông tin của học trò tôi nói chứ không phải tôi bịa. Điều này chứng tỏ là thực tế có chuyện tiêu cực trong việc tuyển dụng người vào làm trong biên chế nhà nước.

Vì vậy, khi Bộ GD&ĐT nói rằng, sẽ căn cứ vào yêu cầu của địa phương, vào đơn đặt hàng để đào tạo hay tuyển dụng thì tôi nghĩ tình trạng tiêu cực này sẽ không mất đi mà thậm chí còn bùng phát và biến tướng hơn!

Lãnh đạo Bộ GD&DT phải chăng không sát thực tế, họ không biết những chuyện ấy hay họ biết mà họ lờ đi? Vì thế tôi nghĩ, Bộ GD&ĐT cần tính toán lại, việc lên kế hoạch đào tạo là công việc của cơ quan quản lý ngành. Chứ còn chờ địa phương đăng ký thì nghe… buồn cười lắm!

- Theo Giáo sư cần giải pháp gì để giải quyết bài toán tuyển dụng, tránh nơi thừa nơi thiếu giáo viên?

Theo tôi trước hết phải có chính sách và thực thi nghiêm chỉnh chứ không thể ra chính sách, đẩy giáo viên đi miền núi rồi “lờ” họ luôn. Thứ hai, cần phải cải thiện chế độ đãi ngộ với giáo viên. Làm giáo dục mà đãi ngộ để giáo viên thua kém cả về vật chất và tinh thần so với ngành khác thì vô cùng khó! Mọi người đều có sự so sánh, vì vậy nên muốn để thầy cô yêu giáo dục thì phải có chế độ đãi ngộ tương xứng.

Thời Pháp, lương giáo viên rất cao, một giáo viên tiểu học thôi đã có thể nuôi vợ con. Nhưng bây giờ, giáo viên mẫu giáo, tiểu học thậm chí lương không đủ cho bản thân người ấy tái tạo sức lao động thì làm sao họ có thể yêu nghề được?

- Xin cảm ơn Giáo sư!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm