GS.VS Phạm Minh Hạc: Lương giáo viên ra trường không đủ nuôi bản thân

08/08/2017 - 19:45
Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Minh Hạc đã thốt lên như vậy, nhân câu chuyện điểm chuẩn ngành sư phạm thấp thảm hại trong mùa tuyển sinh đại học năm nay.

- Cảm nhận của Giáo sư như thế nào khi chưa năm nào điểm đầu vào ngành sư phạm lại thấp như năm nay mà các trường chật vật mãi vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu?

Từng là sinh viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi vinh dự được học với những thầy giáo giỏi hàng đầu cả nước như GS Đặng Thai Mai, GS Trần Văn Giàu… và thấy rằng quãng thời gian được các thầy giảng dạy rất quý giá. Gần như một lớp giáo viên giỏi giang đã ra đời sau đó. Sau này khi đi làm thầy giáo, đứng trên bục giảng và dạy chính các em sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội, tôi càng thấm thía rằng người thầy có vai trò quan trọng. Thầy giỏi thì sẽ đào tạo được trò giỏi.

Có những thời điểm, ngành sư phạm lấy điểm đầu vào tận 25, 27 điểm. Sinh viên sư phạm được coi trọng và đãi ngộ nhiều lắm!

GS Phạm Minh Hạc chia sẻ nhiều lo lắng về việc điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm thấp kỷ lục năm nay.  

Nhưng tình hình bây giờ khác nhiều rồi. Nhiều trường trước đây là có tên là trường sư phạm thì bây giờ thu hẹp lại thành khoa. Họ chỉ lo phát triển đa dạng ngành nghề, nhưng chỉ chạy theo số lượng chứ không chú trọng chất lượng.

Mấy hôm nay xem báo đài, thấy có trường chỉ lấy hơn 12 điểm ngành sư phạm. Điểm đầu vào thế này thì kém quá! Sinh viên vào học sao có thể xứng đáng để làm thầy giáo, cô giáo được đây?

- Theo Giáo sư, lý do nào khiến thí sinh thờ ơ với ngành sư phạm? Phải chăng do đồng lương không đủ sống, hay ra trường khó xin việc, muốn xin thì phải chạy chọt?

Đi tìm câu trả lời đích đáng cho câu hỏi vì sao ngành sư phạm bị thất sủng, có lẽ là rất khó vì đây là vấn để của cả hệ thống. Riêng việc đãi ngộ cho sinh viên sư phạm bây giờ không còn nữa hoặc có cũng không đáng kể.

Bây giờ, lương giáo viên ra trường không đủ nuôi bản thân, chưa nói đến nuôi gia đình. Cơ hội công việc cũng chỉ bó buộc trong ngành giáo dục. Cháu tôi học cao đẳng, ra trường “ăn” lương 2,6 triệu một tháng.

Tôi đi một số nước thì thấy chỉ có ở Việt Nam, lương giáo sư mới nghèo như thế này. Ở Mỹ, giáo sư chỉ chuyên tâm đọc sách, nghiên cứu tài liệu và giảng dạy. Giáo sư ở mình, lương 5 - 10 triệu, về hưu thì chỉ còn vài triệu, không đáng kể. Chỉ có Việt Nam mới xếp lương xếp của giáo viên vào lương hành chính sự nghiệp thì đâu là động lực để họ phát triển?

Trước đây, năm 1990, khi còn đương nhiệm, tôi từng làm việc với Ngân hàng thế giới. Họ đã đề xuất tách lương của nhà giáo ra khỏi lương của hệ thống lương hành chính. Giáo viên nên có một chế độ lương riêng, phù hợp và xứng đáng với năng lực của mình.

- Phải chăng đã đến lúc tự các trường phải nghĩ cách cứu chính mình để hút thí sinh, thưa Giáo sư?

Làm sao họ tự thay đổi được? Ít nhất các trường phải có đủ sinh viên, lấp đầy chỉ tiêu thì mới được hưởng ngân sách từ nhà nước. Tự từng trường một thì khó có thể thay đổi được.

Trong nhà trường, thầy cô giáo có những người gương mẫu, nhiệt huyết thì họ vẫn dạy hay, chịu khó đổi mới chất lượng giờ dạy, dù lương thấp. Nhưng đó chỉ là câu chuyện cá nhân mà thôi, còn nói tổng thể thì vẫn phải là vai trò của Nhà nước.

Khuyến khích phát triển trường tư để tăng số lượng giáo viên làm việc trong trường tư thục hưởng mức lương xứng đáng là một hướng. Thế nhưng số lượng trường tư hiện nay quá ít, chỉ có chưa đến 15% số trường học của cả nước là trường tư. Còn lại vẫn khó sống. Phần lớn người dân vẫn cho con học trường công.

Nhà nước phải có đường lối khác để phát triển giáo dục, còn như thế này thì cũng chỉ đảm bảo những điều kiện ở mức tối thiểu. Các em kém quá thì khó vươn lên lắm. Riêng Bộ GD&ĐT không làm nổi, các địa phương cũng không làm nổi. Vấn đề này phải từ Chính phủ, từ Trung ương Đảng.

- Xin cám ơn Giáo sư!

Nghe chia sẻ của GS.VS Phạm Minh Hạc về điểm chuẩn vào các trường sư phạm quá thấp:

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm