Gượng dậy sau bão lớn

09/11/2017 - 15:07
Là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão 12, người dân ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, đang nỗ lực gượng dậy để sớm tái thiết, ổn định cuộc sống.
3.jpg
Huyện Diên Khánh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 12

 

Mặc dù hầu hết đều bị hư hại nặng do bão, nhưng hiện giờ, các trường học ở huyện Diên Khánh đều đang nỗ lực khôi phục để sớm tổ chức dạy học trở lại trong thời gian sớm nhất.

Ở Trường Mầm non xã Diên Lạc, các giáo viên của trường và hàng chục học viên Học viện Hải quân đang thu dọn đồ đạc, sửa nhà, dựng lại cây đổ. Các học viên Hải quân cho biết, họ đã có mặt trên địa bàn huyện Diên Khánh từ đầu tuần đến nay – ngay sau khi bão số 12 đi qua, với công việc chính là dọn dẹp cây bị ngã đổ, lợp lại mái ngói cho trường học.

Nhiều ngôi trường khác trên địa bàn trong các ngày từ 6-8/11 cũng tích cực dọn dẹp, sửa chữa trường lớp, sắp xếp lại đồ đạc, bàn ghế, với sự tham gia của toàn bộ giáo viên và sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng tình nguyện viên. Thầy Nguyễn Ngọc Châu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Diên Bình, cho biết: “Nhờ có lực lượng tình nguyện từ các tổ chức xã hội, đơn vị quân đội, nên việc dọn dẹp, sửa sang trường học diễn ra nhanh và hiệu quả hơn. Dự kiến việc khôi phục trường lớp sẽ hoàn thành sớm để có thể tổ chức dạy học từ ngày 9/11”. Nhiều trường khác cũng cố gắng hoàn tất mọi việc để có thể tiếp tục chương trình dạy học từ đầu tuần tới.

5.jpg
Phần lớn các trường phổ thông ở Diên Khánh phấn đấu bắt đầu tổ chức dạy học trở lại từ ngày 9/11

 

4 ngày sau cơn bão số 12, nhiều xã của huyện Diên Khánh như: Diên Lâm, Diên Đồng, Diên Bình, Suối Tiên, Diên Lạc… vẫn chưa được cấp điện trở lại. Tuy nhiên, đời sống của người dân đang dần ổn định. Cây ngã đổ ở các tuyến đường đều đã được dọn dẹp. Việc sửa sang nhà cửa, dọn dẹp đường phố diễn ra khẩn trương, khi nhiều gia đình nhờ người thân, thuê mướn thợ cùng sửa sang, lợp lại mái nhà, dựng lại cây đổ…

Ông Mười Út, chủ một cơ sở mộc ở thôn Trường Lạc, xã Diên Lạc, cho biết: “Mặc dù đã phải rất nỗ lực chạy khắp nơi để kiếm thợ sửa nhà, nhưng thực sự là rất khó khăn. Bởi nhà ai cũng bị hư hỏng, nhu cầu thuê nhân công quá lớn. Trong xã hiện nay vẫn còn khá nhiều nhà bị hư hỏng chưa có người sửa chữa”.

Các cửa hàng vật liệu xây dựng, cửa hàng đồ sắt, sửa chữa đồ gia dụng… cũng rất “đắt hàng”. Nhiều tiệm phải thuê máy nổ để hoạt động, khi lượng khách hàng đổ về quá đông. Nhiều chủ tiệm sắt cho biết, họ phải làm việc suốt từ sáng sớm đến gần khuya mới được nghỉ, vì lượng khách hàng mang đồ đến sửa, hoặc yêu cầu đến nhà sửa sang cửa nẻo tăng gấp 4-5 lần so với bình thường. Mặc dù giá công thợ tăng cao, giá dịch vụ cũng đắt hơn 40-50% so với trước, nhưng nhiều cửa hàng không dám nhận thêm khách mới hoặc hẹn chờ cả tuần sau mới đáp ứng nổi yêu cầu của khách.

1.jpg
Sửa chữa, lợp lại mái nhà để người dân sớm 9ổn định cuộc sống

 

Diên Khánh cũng là một vùng chuyên canh cây ăn trái. Trong đợt bão vừa qua, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái ở Diên Bình, Suối Tiên… bị thiệt hại nặng. Đặc biệt, thôn Lương Phước, xã Diên Bình, nhiều hộ trồng vú sữa bị thiệt hại rất nặng nề, nhà nào cũng có cây bị gãy đổ. Ông Lê Kim Sơn ở thôn Lương Phước cho biết: “Nhà tôi có 22 cây măng cụt đang ra trái mùa, dự định Tết này bán, nhưng giờ thì đã gãy hết rồi. Vườn vú sữa hơn 15 năm tuổi, mỗi vụ cho thu nhập hơn 50 triệu đồng cũng bị hư hại hoàn toàn”.

Ở thôn Lương Phước, ngoài ông Sơn còn có các hộ chuyên trồng vú sữa như: Lê Văn Dũng, Lê Văn Hùng, Nguyễn Ngọc Vinh, Thái Xuân Đông… cũng bị thiệt hại rất nặng. “Đặc điểm của cây vú sữa là đã bị gãy thì phải cưa bỏ, trồng mới, phải mất tới 5 - 6 năm mới cho quả. Vì vậy, cuộc sống của những hộ trồng cây ăn trái trong thời gian tới là rất khó khăn”, ông Lê Văn Dũng cho biết.  

4.jpg
Hoạt động khắc phục hậu quả cơn bão số 12 diễn ra rất khẩn trương ở huyện Diên Khánh

 

Ông Đinh Văn Thiệu, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cho biết, những ngày qua huyện đã tập trung lực lượng, chỉ đạo các địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả của bão số 12. Huyện tập trung hỗ trợ gia đình chính sách, người neo đơn lợp lại nhà. Những gia đình có nhà bị sập hoàn toàn đều được bố trí chỗ ở tạm. Huyện đã chỉ đạo các xã lập danh sách các trường hợp nhà bị sập, hư hỏng nặng để có phương án hỗ trợ. Sau mấy ngày dồn sức khôi phục, đến giờ giao thông trên địa bàn huyện cơ bản đã thông suốt. Nhiều trường học sẽ tổ chức dạy học trở lại từ ngày 9/11 hoặc chậm nhất là một vài ngày sau đó.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là điện. Do hệ thống đường dây bị hư hỏng nặng nên dù rất nỗ lực nhưng đến nay mới chỉ có 35% các trạm biến áp hoạt động trở lại, với hơn 30% số hộ, 90% nhà máy, cơ sở sản xuất có điện hoạt động.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm