Chương trình GDPT tổng thể: GV lo lắng, mệt mỏi
Sau khi báo Phụ nữ Việt Nam đăng tải bài báo "Đưa học sinh lớp 1 ra thí điểm, nguy hiểm vô cùng" phỏng vấn GS Hồ Ngọc Đại về chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT), đã có rất nhiều giáo viên tiểu học quan tâm và chia sẻ suy nghĩ về sự thay đổi của chương trình.
GV Nguyễn Thủy tỏ ra bi quan: “Cứ cử vài người đi ra ngoài học hỏi, học hỏi xong về mỗi người một ý. Mười người đi học về mang 10 kiểu thay đổi về, trộn lẫn vào nhau như một mớ bòng bong”.
Giáo viên tiểu học có nhiều tâm tư trước thay đổi của Bộ GD&ĐT về CTGDPT mới. Ảnh minh họa: D.H |
Một GV khác cho rằng, GS Hồ Ngọc Đại chỉ góp ý cho… vui thôi chứ khó có thể thay đổi được gì vì Bộ GD&ĐT đã sắp chốt thời hạn lấy ý kiến để tiếp tục triển khai những bước tiếp theo.
Tài khoản Nguyễn Thị Ngọc Mai nói vui: “Cứ tình hình này chắc để con ở nhà dạy theo sách truyền thống thôi, dạy nhanh, đánh vần cho nhanh.
Thầy giáo Vũ Đức Cảnh (Hưng Yên) bình luận, nếu Hội đồng biên soạn sách của ta không đủ tầm thì nên mua bản quyền sách giáo khoa của nước ngoài (trừ môn Lịch sử).
“Như Hàn Quốc từng mua bản quyền sách giáo khoa của Nhật Bản. Vừa đỡ tốn kém vừa có chương trình chuẩn mực” - thầy Cảnh gợi ý.
Cô giáo Lê Thúy Nga bày tỏ, không phải là người bảo thủ nhưng theo cô, lớp 1 học cái gì đi nữa thì cũng chỉ để biết đọc, biết viết và tính toán, hiểu biết xã hội một cách sơ giản thôi. “Vì vậy, có nhất thiết suốt ngày phải nghĩ đến đổi mới không?” - cô Nga nói.
Đáp lại những suy nghĩ của cô Nga, một giáo viên cảm thán: “Xin Bộ GD&ĐT đừng làm khổ thầy trò chúng tôi nữa!”.
Chương trình của GS Đại cũng đang… thí điểm học sinh lớp 1
Liên quan đến quan điểm không nên đưa học sinh lớp 1 ra làm thí điểm của GS Hồ Ngọc Đại, nhiều giáo viên liên hệ với chương trình Tiếng việt Công nghệ giáo dục của ông (hiện áp dụng cho khoảng 10.000 học sinh tiểu học) và cho rằng, chương trình của ông cũng đang khiến học sinh trở thành “chuột bạch”.
Rất đông ý kiến giáo viên đều tỏ ra mệt mỏi với chương trình công nghệ giáo dục (CNGD) của GS Hồ Ngọc Đại bởi chương trình quá khó và nặng nề.
GV Trần Diệu Phương chia sẻ: “Sách của Giáo sư viết ra học sinh phải học “nhoài người” vì lượng bài của 1 tiết học quá nặng. Giáo viên không có thời gian để rèn học sinh đọc nữa chứ chưa nói đến chuyện viết”.
GS Hồ Ngọc Đại và chương trình tiếng việt công nghệ giáo dục gây nhiều tranh cãi. Ảnh: D.H |
Độc giả Phan Hằng đồng tình khi cho rằng, thầy đưa công nghệ vào lớp 1 không thí điểm thì là gì? Theo độc giả Phan Hằng, lớp 1 công nghệ của thầy mà hè không “bò” ra học trước thì đến lúc vào học khó có thể theo kịp
Tuy nhiên, bên cạnh những than phiền của giáo viên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng chương trình của GS Hồ Ngọc Đại khá hay nếu tìm được giáo viên giỏi và tâm huyết thật sự. Bên cạnh đó, để dạy chương trình này thì sĩ số học sinh phải không đông, giáo viên sẽ dễ bao quát và đảm bảo chương trình học tốt hơn.
Cô giáo Nguyễn Liên chia sẻ, chị chỉ thấy chương trình của GS Hồ Ngọc Đại hay khi được ngồi… dự giờ. Ở lớp mình dạy, để đảm bảo chương trình, cô đưa ra cách dạy linh hoạt hơn.
“Học sinh yếu mình vẫn dạy đánh vần theo cách cũ, còn học sinh giỏi thì dù dạy theo phương pháp nào, các em cũng học rất nhanh. Chương trình của thầy theo mình chưa có gì nổi bật. Cũng không có cách gì để giúp học sinh yếu học nhanh hơn!” - cô Liên bày tỏ.
Một nữ giáo viên khác tên Dung Kim kể, bản thân cô là người được học chương trình của GS Hồ Ngọc Đại từ khi học lớp 1 (năm 1991) và thấy chương trình ấy rất hay.
“Không hiểu sao đến giờ tôi vẫn nhớ như in các kiến thức đã được học từ ngày đó. Người từng học qua thấy hay, sao người dạy không thấy hay? Bởi người dạy không thấy hay thì sao truyền đạt cho trò hiểu được?” - Dung Kim nói.
Theo Dung Kim, ưu điểm lớn nhất của chương trình do GS Hồ Ngọc Đại biên soạn là hỗ trợ rất tốt cho việc học tiếng Anh của trẻ. Vấn đề mấu chốt là thầy cô sẽ truyền đạt cho trò như nào để trò cảm thấy hay.
“Tôi rất may mắn vì được gặp thầy tốt, truyền đạt tốt nên giờ vẫn thấy hiểu, thấy hay. Hi vọng các thầy cô cũng như vậy. Trước tiên các thầy cô phải thấy hay, thấy thú vị mới truyền đat được cho trò. Chương trình nào cũng vậy thôi, đều có mặt được và chưa được!” - cô nêu quan điểm.
Cô giáo Bùi Hằng góp ý, chương trình CNGD sẽ hay và hoàn thiện hơn nếu giảm được nội dung bài học vốn quá nặng nề như hiện nay. Học sinh có thời gian để vui chơi và dễ tiếp thu hơn.
Theo cô Hoa Hạ, giáo viên nào dạy ở vùng cao, vùng nông thôn mới biết chương trình tiếng Việt công nghệ của GS làm khổ giáo viên, học sinh và phụ huynh như thế nào.
“Mỗi lần đi dự giờ thấy thương cô giáo và học sinh, vỗ rát cả tay, nói rát cả họng. Các cô nói rất thật rằng để được 1 giờ thế này, họ phải nai lưng ra tập cả mấy tuần để tập luyện! Thương lắm, thầy cô và học trò ơi! ” - cô Hoa Hạ cay đắng.