Hà Nam đón xu hướng dịch chuyển dịch vụ y tế chất lượng cao

22/05/2019 - 18:56
Tháng 10/2018, khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đã hoạt động, đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám/ngày cho thấy xu hướng dịch chuyển các dịch vụ y tế chất lượng cao về tỉnh này. Ông Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, trao đổi với Báo PNVN xoay quanh những điều kiện, cơ hội thuận lợi cũng như thách thức trước sự tác động của xu thế dịch vụ y tế quy mô lớn đang phát triển tại đây.

PV: Những năm qua, tỉnh Hà Nam đã có định hưởng gì để phát triển trở thành trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ về y tế, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân?

Ông Bùi Quang Cẩm, PCT UBND Hà Nam: Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thống nhất cao chủ trương và tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, tạo tiền đề để Hà Nam phát triển trở thành trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu chuyển giao công nghệ về y tế, phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; thể hiện bằng việc ban hành và quyết liệt thực hiện các Đề án, Nghị quyết, Quy hoạch, kế hoạch.... Trong đó có Đề án Đổi mới định hướng đầu tư phát triển giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu đổi với lĩnh vực dịch vụ: Đẩy mạnh phát triển dịch vụ với trọng tâm là dịch vụ y tế, dịch vụ đào tạo, dịch vụ du lịch và dịch vụ phục vụ hỗ trợ phát triển công nghiệp; tiến tới xây dựng Hà Nam trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm chữa bệnh chất lượng cao của vùng...”

Quyết định số 1023/QĐ-UBND ngày 26/9/2014 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm y tế chất lượng cao với diện tích 930ha, quy mô 7.000 giường bệnh, quy mô dân số dự kiến 48.000 người, tính chất là trung tâm y tế chất lượng cao và các dịch vụ đi kèm (y tế, thương mại) của vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh Bắc Trung bộ.

Trung tâm y tế chất lượng cao cấp vùng đã được đưa vào Quy hoạch vùng Thủ đô. Theo đó, đến năm 2030, có khoảng 4.800 6.000 giường bệnh, với nhu cầu sử dụng đất khoảng 50 - 60ha. Đến năm 2050, có khoảng 5.000 6.200 giường bệnh với nhu cầu sử dụng đất khoảng 60 -75 ha

Khoa khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam)

 

Đến nay, khu y tế chất lượng cao đã thu hút được các cơ sở y tế tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2; Bệnh viện Nhi Trung ương và Trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao và một số dự án đầu tư nước ngoài (Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Yuzankai...); Khu Đại học Nam Cao đã thu hút được một số đại học, doanh nghiệp uy tín về đầu tư như: Cơ sở 2 - Đại học Y Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học U1 (Hàn Quốc), Trung tâm đào tạo nghề và nhân lực chất lượng cao Hà Nam...

PV:  Tháng 10/2018, khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đã chính thức đi vào hoạt động. Nguyên nhân, điều kiện thuận lợi nào khiến Hà Nam trở thành địa điểm được phát triển xây dựng các bệnh viện, dịch vụ y tế có quy mô rất lớn? Cùng với đó, các trung tâm dịch vụ y tế quy mô lớn sẽ có những tác động tích cực thế nào tới sự phát triển chung về kinh tế-xã hội của tỉnh nhà?

Ông Bùi Quang Cẩm, PCT UBND Hà Nam: Trước tiên phải khẳng định, tỉnh Hà Nam rất vui mừng, phấn khởi vì dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức thời gian qua đã được đẩy nhanh tiến độ và đưa khu khám bệnh chính thức đi vào hoạt động.

Để Hà Nam trở thành địa điểm xây dựng các bệnh viện, dịch vụ y tế có quy mô lớn, có 3 nhóm nguyên nhân, điều kiện thuận lợi chủ yếu là:

Thứ nhất, việc phát triển Hà Nam trở thành Trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao của vùng phù hợp Quy hoạch vùng Thủ đô; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam đến năm 2020..., thuận tiện cho nhân dân (các tỉnh phía Nam Hà Nội đến Bắc Miền Trung - khoảng 28 triệu dân) và công tác khám chữa bệnh, tiết kiệm kinh phí đầu tư xây dựng do có vị trí địa lý phù hợp, thuận tiện giao thông, chi phí xây dựng và giá sinh hoạt thấp.

Tỉnh Hà Nam là đầu mối giao thông phía Nam Thủ đô Hà Nội, thuận tiện kết nối giao thông các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh phía Nam Hà Nội. Trên địa bàn tỉnh có các tuyến đường bộ kết nối toàn vùng (QL1A, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, QL21A, QL21B, QL38A, QL38B, QL37, đường nối giữa cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Hà Nội - Hải Phòng...).

Chi phí xây dựng tại Hà Nam thấp do giá vật liệu xây dựng thấp (xi măng, thép, gạch, đá... có tại chỗ), nhân công rẻ... Do vậy tiết kiệm chi phí đầu tư so với các nơi khác (từ 15 - 20%).

Giá sinh hoạt tại Hà Nam thấp: Lương thực, thực phẩm, dịch vụ tại Hà Nam giá thấp. Hiện nay lương thực, thực phẩm sản xuất ở Hà Nam đều cung cấp cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vùng Thủ đô, các khu công nghiệp...

Thứ hai, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương nếu đặt cơ sở 2 tại Hà Nam, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố Hà Nội do khoảng cách giữa Phủ Lý - Hà Nội rất gần (50km); di chuyển bằng đường cao tốc, thuận tiện chỉ đạo về chuyên môn, công tác khám chữa bệnh...

Thứ ba, lãnh đạo và nhân dân Hà Nam đồng tình, ủng hộ cao chủ trương thu hút đầu tư và phát triển Hà Nam thành Trung tâm dịch vụ y tế chất lượng cao cấp vùng.

Ông Bùi Quang Cẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam

 

Lãnh đạo tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các Bệnh viện tuyến Trung ương về đầu tư cơ sở 2 cũng như các cơ sở y tế khác trong và ngoài nước đầu tư tại tỉnh như: Bàn giao mặt bằng sạch, đất đã san lấp, có hạ tầng đầy đủ (giao thông, điện, cấp nước, thoát nước ...) trong thời gian ngắn nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bệnh viện về đầu tư xây dựng; Cam kết bố trí đất làm nhà ở cho cán bộ bệnh viện về làm việc tại cơ sở 2 gần khu đất xây dựng bệnh viện; Bố trí trường học cho con em cán bộ các bệnh viện; Xe bus đi lại giữa cơ sở 1 (nội thành Hà Nội) và cơ sở 2 - Hà Nam, đảm bảo các dịch vụ khác thuận tiện; Tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo y tế về đầu tư xây dựng trong Khu Đại học Nam Cao.

Các trung tâm dịch vụ y tế quy mô lớn khi đi vào hoạt động sẽ có những tác động tích cực tới sự phát triển chung về kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 10%/năm giai đoạn 2016-2020.

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Đến năm 2020, cơ cấu thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng 31,6%; Tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sống, chăm sóc sức khoẻ của nhân dân; Cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy thu hút đầu tư FDI, BOT...

Hiện nay, Hà Nam có 8 Khu Công nghiệp với 259 dự án FDI (chủ yếu là doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc). Đồng thời, Khu Đại học Nam Cao tỉnh Hà Nam đến nay cũng đã thu hút được 16 trường Đại học, Cao đẳng đăng ký về đầu tư xây dựng. Khu du lịch trọng điểm quốc gia Tam Chúc đã đưa vào khai thác, đón khách du lịch (đã được lựa chọn là địa điểm tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak 2019 vào tháng 5/2019). Việc phát triển Trung tâm y tế chất lượng cao sẽ góp phần thu hút các trường đại học có thương hiệu, các tập đoàn lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác vào đầu tư tại tỉnh Hà Nam và khu vực lân cận (dự kiến bình quân 500 - 700 triệu USD/năm thời kỳ 2016 - 2020); góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và của cả vùng.

Khám chữa bệnh cho người dân ngày Khai trương Khoa khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 - Hà Nam. Ảnh TTX

 

PV: Cạnh việc phát triển các trung tâm dịch vụ y tế quy mô lớn, kéo theo đó là vấn đề rác thải y tế, ô nhiễm môi trường. Tỉnh Hà Nam đã có phương án và hướng giải quyết ra sao với những vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải y tế phát sinh trong thời gian tới?

Ông Bùi Quang Cẩm, PCT UBND Hà Nam: Tỉnh Hà Nam nhận thức rõ, phát triển trung tâm dịch vụ y tế quy mô lớn sẽ kéo theo vấn đề rác thải y tế, ô nhiễm môi trường. Để đảm bảo phát triển bền vững, cùng với Bộ Y tế, các Bệnh viện, tỉnh đã có phương án và hướng giải quyết cụ thể đối với vấn đề ô nhiễm môi trường và rác thải y tế phát sinh trong thời gian tới.

Thứ nhất: Đối với nước thải y tế, Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cơ sở 2 đều có trạm xử lý nước thải tập trung công suất 1.000 mo/ngày đêm, xử lý toàn bộ nước thải của 2 bệnh viện đảm bảo đạt cột A/QCVN 28:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế; đồng thời các bệnh viện thực hiện lắp đặt, truyền dữ liệu hệ thống quan trắc tự động đối với nước thải và định kỳ hằng quý phải nộp báo cáo quan trắc môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát.

Thứ hai, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam trước khi thực hiện đầu tư xây dựng đều thực hiện lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. UBND tỉnh đã yêu cầu tất cả các cơ Sở y tế phải quản lý chất thải y tế theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài nguyên và Môi trường về Quy định về chất thải y tế với chất thải rắn. Còn đối với chất thải y tế nguy hại phải được thu gom, lưu giữ.

Thứ ba, hiện nay, dự án tăng cường môi trường đầu tư tỉnh Hà Nam (Tài trợ từ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản – JICA và ngân sách tỉnh) đang thực hiện đầu tư xây dựng 01 khu xử lý nước thải và hệ thống tuyến ống thu gom nước thải các Khu dân cư phía Tây thành phố Phủ lý và Khu Y tế chất lượng cao (công suất giai đoạn 1: 3.500m3 ngày đêm, giai đoạn II: 4.000m3/ngày đêm) để xử lý triệt để vấn đề nước thải y tế, sinh hoạt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch 02 nhà máy xử lý chất thải nguy hại với tổng công suất xử lý 150 tấn/ngày đêm (Công ty CPMT Thanh Thủy công suất xử lý CTNH 100 tấn/ngày đêm, Công ty CPMT Hà Nam công suất xử lý CTNH 50 tấn/ngày đêm). Khi 02 nhà máy xây dựng xong sẽ đảm bảo xử lý toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm