pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội: 83% trường học 3 xã vùng đồng bào DTTS huyện Thạch Thất đạt chuẩn quốc gia
Ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất phát biểu tại Đại hội.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất lần thứ IV năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 13, 14/6/2024.
Tăng trưởng bình quân 12,5%/năm
Năm 2008, thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh liên quan, 3 xã miền núi, dân tộc thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình là Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình được sáp nhập vào huyện Thạch Thất. Sau khi sáp nhập, 3 xã có trên 13.000 người, chiếm 5,68% dân số toàn huyện.
Những năm qua, Huyện uỷ, UBND huyện Thạch Thất đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài việc tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương và Thành phố, huyện đã dành nhiều nguồn lực và triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và các xã miền núi.
Đến nay, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Thạch Thất đã có nhiều đổi mới và tiến bộ. Tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 12,5%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư nâng cấp. Đường liên thôn, liên xã của cả 3 xã miền núi, dân tộc đều được nhựa hóa, bê tông hóa. Tổng mức đầu tư cho 3 xã miền núi 5 năm qua trên 628 tỷ đồng.
Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được đồng bào dân tộc miềm núi đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị như: Bò (BBB), mô hình sản xuất thâm canh lúa chất lượng cao, mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng hoa, phát triển kinh tế đồi rừng, trang trại đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm từ 0,84% năm 2019 xuống còn 0,25% cuối năm 2023.
100% các thôn thuộc các xã vùng miền núi và dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất đều có câu lạc bộ cồng chiêng và duy trì hoạt động thường xuyên
Văn hóa – xã hội có nhiều phát triển
Công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa đạt kết quả quan trọng. 100% thôn bản thuộc 3 xã miền núi đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa. Công tác đầu tư các thiết chế văn hóa được quan tâm. Đến nay, xã Tiến Xuân có 7/7 Nhà văn hóa thôn, xã Yên Bình có 1 trung tâm văn hóa xã và 6/6 nhà văn hóa thôn, xã Yên Trung có 4/4 nhà văn hóa thôn.
Công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được phát huy. Huyện đã đầu tư cho mỗi xã một bộ cồng chiêng, hàng năm tổ chức các lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng, nghệ thuật diễn tấu cho nhân dân các xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Đến nay 100% các thôn thuộc các xã vùng miền núi và dân tộc thiểu số đều có câu lạc bộ cồng chiêng và duy trì hoạt động thường xuyên.
Công tác Giáo dục và đào tạo tiếp tục có bước phát triển, cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư. Trên địa bàn 3 xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi hiện đã có 10/12 trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt tỷ lệ 83,33%). Chất lượng giáo dục đào tạo trong các trường ngày càng được nâng lên và đồng đều với các trường khác trong huyện. Các trường học thực hiện tốt việc duy trì số lượng học sinh trong độ tuổi đi học. 100% các nhà trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp đối tượng học sinh vùng đồng bào dân tộc.
Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng, các Trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực được tăng cường về số lượng; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y, bác sỹ, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế được đầu tư, nâng cấp đáp ứng được yêu cầu về khám chữa bệnh ban đầu của nhân dân. 100% thôn đã có cán bộ y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng cao.
Các đại biểu tham quan các gian trưng bày giới thiệu sản phẩm
Nhiều phong trào thi đua yêu nước đã thu hút được sự tham gia của đồng bào các dân tộc, như: cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; "Giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo", "Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"… Nhiều người có uy tín trong cộng đồng trở thành tấm gương đoàn kết các dân tộc, gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng củng cố hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở Đảng, các đoàn thể nhân dân vững mạnh.
Sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của đồng bào các dân tộc đã góp phần thu hẹp khoảng cách về phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập, trình độ dân trí giữa các xã miền núi với các xã, thị trấn trong huyện, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện; niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số, của các xã miền núi đối với các cấp ủy, chính quyền trong huyện tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô Hà Nội; đầu tư cải tạo, nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật các xã miền núi phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội; chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững; khai thác hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để đầu tư, nâng cao các tiêu chí, phấn đấu cả 3 xã miền núi của huyện đạt tiêu chí xã Nông thôn mới kiểu mẫu.
Các tập thể, cá nhân được khen thưởng vì đã có thành tích trong công tác dân tộc trên địa bàn huyện Thạch Thất.
* Nhân dịp này, huyện Thạch Thất có 3 tập thể (Văn phòng HĐND và UBND Huyện; Phòng Tài chính - Kế hoạch Huyện; Phòng Lao động – Thương binh Xã hội Huyện) và 5 cá nhân được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; 3 tập thể và 10 cá nhân được trao tặng Giấy khen của Trưởng ban Dân tộc Thành phố Hà Nội; 27 tập thể và 30 cá nhân được trao tặng Giấy khen của Chủ tịch UBND Huyện có thành tích tiêu biểu trong công tác dân tộc trên địa bàn Huyện giai đoạn 2019 – 2024.