pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội: Ban Chỉ huy quân sự quận Hai Bà Trưng phát động đợt thi đua cao điểm
Thượng tá Cao Tiến Sơn - Phó bí thư Đảng ủy, Chính trị viên BCHQS Quận Hai Bà Trưng - phát động "50 ngày thi đua lập công Quyết thắng"
Lễ phát động nhằm tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nói riêng, cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận nói chung về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí Cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng, truyền thống đánh giặc, giữ nước vẻ vang của dân tộc, những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"; Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tham dự gồm có đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hiền, UVBTV Quận ủy - PCT Quận Hai Bà Trưng; Thượng tá Cao Tiến Sơn - Phó bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban CHQS Quận; Nguyễn Ngọc Anh - Phó TMT BCHQS Quận; Trung tá Lê Hồng Quân - Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn Bộ đội địa phương; Cùng đại diện Khối Dân quân Tự vệ; Cụm thi đua Minh Khai (Cụm 1), Cụm thi đua Trương Định (Cụm 2), Cụm thi đua Bạch Đằng (Cụm 3); Đại diện khối các đơn vị Tự vệ - BCHQS Bệnh viện mắt TƯ.
Đợt thi đua phấn đấu 100% cán bộ, chiến sĩ LLVT Ban CHQS quận có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, nhận thức tốt chức trách, nhiệm vụ. Tích cực tham gia các hoạt động kỷ niệm và thi tìm hiểu về 50 năm "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Lễ ký kết giao ước thi đua diễn ra trang trọng, dưới sự chứng kiến của đại diện BCHQS Quận và các Cụm thi đua.
Vào hồi 19 giờ 10 phút ngày 18/12/1972, hệ thống rađa của ta bắt được tín hiệu máy bay B-52 địch đầu tiên hướng về Hà Nội, mở đầu đòn tập kích chiến lược. 19 giờ 15 phút, Bộ Tổng tư lệnh phát lệnh báo động toàn miền Bắc.
Với quyết tâm "bắn rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái B-52, tiến đến đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của không quân Mỹ", lực lượng phòng không của ta tổ chức hiệp đồng chặt chẽ, phát huy sức mạnh tổng hợp đưa nghệ thuật tác chiến phòng không lên một tầm cao mới. Các đơn vị rađa có nhiều sáng tạo về kỹ - chiến thuật kịp thời phát hiện cảnh báo sớm mục tiêu B-52. Bộ đội tên lửa thực hiện cách đánh trong nhiễu đạt hiệu suất cao, là lực lượng chủ yếu tiêu diệt B-52, tạo nên bất ngờ lớn đối với địch. Các đơn vị không quân tiêm kích phát huy cách đánh dũng cảm, mưu trí tiêu diệt nhiều máy bay cường kích, đồng thời bắn rơi cả máy bay B-52. Bộ đội pháo cao xạ tích cực đánh trả máy bay cường kích ném bom, bảo vệ an toàn cho trận địa tên lửa. Bộ đội địa phương, dân quân tự vệ triển khai hỏa lực chiến đấu trên địa bàn rộng lớn tạo nên hệ thống lưới lửa đánh máy bay tầm thấp rất lợi hại...
Ngay trong đêm đầu tiên (18/12/1972), bộ đội ta đã lập chiến công to lớn: bắn rơi 7 máy bay địch, trong đó có 3 máy bay B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ), mở ra khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của địch. Những ngày tiếp theo, ta tiếp tục bắn rơi thêm nhiều B-52 (đêm 20/12 bắn rơi 7 chiếc; đêm 26/12 bắn rơi 8 chiếc,...) cùng các loại máy bay chiến thuật khác. Bị tổn thất nặng nề, đến sáng ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, chấp nhận nối lại đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.
Kết quả toàn chiến dịch: ta bắn rơi 81 máy bay các loại (trong đó có 34 B-52 và 5 F-111), tiêu diệt và bắt sống nhiều phi công Mỹ. Riêng ở Thủ đô Hà Nội, ta bắn rơi 30 máy bay (trong đó có 23 B-52 và 2 F-111). Dư luận phương Tây gọi chiến thắng này là trận "Điện Biên Phủ trên không". Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân dân Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, bắn rơi tại chỗ số lượng nhiều nhất máy bay B-52, tạo sự bất ngờ lớn và nỗi kinh hoàng cho phía Mỹ, đồng thời làm chấn động dư luận thế giới. Bản thân Richard Nixon cũng thú nhận: "Mối lo lớn nhất của tôi không phải là làn sóng phê phán đến từ trong nước cũng như ngoài nước như đã dự kiến mà là tầm quan trọng của những tổn thất bằng B52" (trích "Hồi ký Richard Nixon").
Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972" đóng vai trò quyết định trực tiếp buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, rút hết quân viễn chinh, quân đồng minh về nước, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc; đồng thời làm nức lòng bè bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đẩy lùi "tâm lý sợ hãi" về cái gọi là "sức mạnh khủng khiếp của không quân chiến lược Mỹ".