Cách nhà văn hóa Chiềng Vang một đoạn xa, chúng tôi đã nghe rõ tiếng nhạc, tiếng cười nói rộn ràng. Đó là âm thanh phát ra từ một buổi sinh hoạt của các hội viên Tổ phụ nữ cao tuổi của xã. Nếu không được giới thiệu từ trước, hẳn ít ai nghĩ, những người phụ nữ đang say sưa múa quạt, múa gậy, dẻo dai, linh hoạt theo nhịp nhạc kia lại là các cô, các bà đã ngoài 50. Hội viên trẻ nhất năm nay cũng đã 55 tuổi, còn người lớn tuổi nhất là ở độ tuổi 82.
Bà Bà Bùi Thị Hoan, Tổ trưởng tổ phụ nữ cao tuổi Chiềng Vang, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình chia sẻ, Tổ phụ nữ cao tuổi được thành lập từ tháng 3/2022, tạo ra một "sân chơi" tinh thần bổ ích dành cho những người phụ nữ tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Lúc mới đầu tham gia Tổ, các chị, các cô cũng bị nhiều người phản đối lắm, nào là già rồi không chịu ở nhà, còn tập trung hò hát. Nhưng vào Tổ hội sinh hoạt, ai cũng vui, khỏe, trẻ ra.
"Một buổi sinh hoạt của chúng tôi có nhiều hoạt động lắm. Từ tập thể dục thể thao, biểu diễn văn nghệ, đến ôn kể lại chuyện ngày xưa. Chúng tôi còn tổ chức các chương trình tìm hiểu bản sắc của dân tộc Mường, rồi đi chơi du lịch theo nguyện vộng của các hội viên trong tổ… Sinh hoạt vui lắm, nên dù ngày nắng hay ngày mưa, dù bận rộn công việc nhà nông, công việc gia đình, nhưng chi em đều cố gắng sắp xếp tham gia. Lúc đầu, tổ có hơn 50 thành viên, đến nay, sau 7 tháng thành lập, đã có hơn 90 hội viên"- bà Hoan chia sẻ thêm.
Năm nay đã 78 tuổi, song bà Bùi Thị Dình là một trong những thành viên tích cực của Tổ trưởng tổ phụ nữ cao tuổi Chiềng Vang. Tham gia tổ từ ngày thành lập, bà chia sẻ, bà vẫn còn nhớ như in, đó là ngày 29/3/2022.
"Cả tôi, con gái cả, con gái thứ đều là những thành viên của Tổ phụ nữ cao tuổi. Chúng tôi không phân biệt già trẻ, cùng nhau tham gia nhiều nội dung sinh hoạt phong phú. Mỗi lúc tập trung gặp nhau được sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, được trao đổi kinh nghiệm, học nhau cách làm ăn, nuôi dạy con cháu, cách làm kinh tế, chúng tôi phấn khởi, thấy khỏe ra, nhanh nhẹn lên. Giờ già rồi, không trực tiếp lao động nữa, nhưng chúng tôi vẫn chia sẻ thông tin, kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sống vui, sống khỏe, để con cháu yên tâm tham gia công việc xã hội, gia đình. Đó cũng là cách đóng góp cho gia đình, cho thôn xã", bà Dình cho biết.
Chị Bùi Thị Thùy, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, thông tin: Tổ phụ nữ cao tuổi được xây dựng ở Chiềng Vang là một mô hình điểm nằm trong kế hoạch phát triển hội viên, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội phụ nữ xã Tân lập và huyện Lạc Sơn. Nắm bắt được tỉnh hình tư tưởng của các hội viên cao tuổi vẫn mong muốn được tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ, "Tổ phụ nữ cao tuổi" đã được thành lập.
Ngoài các chương trình sinh hoạt định kỳ, Hội LHPN xã còn tổ chức các chương trình chăm sóc sức khỏe, tổ chức khám, cấp phát thuốc, quan tâm đến hội viên khó khăn như thăm hỏi lúc ốn đau, giúp nhau làm các công việc gia đình như làm cỏ lúa, gặt… Mô hình này đang tiếp tục được tuyên truyền và nhân rộng đến các chi hội để thu hút thêm thành viên tham gia tổ chức Hội phụ nữ.
Tổ phụ nữ cao tuổi giúp các hội viên, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số sống vui, sống có ích.
Huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình có 255 chi hội phụ nữ, số phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt Hội trên 39 nghìn người, hiện nay có trên 23 nghìn hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội tại 24 xã, thị trấn.
Thực trạng cho thấy còn nhiều nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi chưa tham gia sinh hoạt Hội, việc triển khai các hoạt động liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng cho phụ nữ đôi lúc chưa kịp thời; hiện tượng tảo hôn, sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng, phụ nữ đi làm ăn xa nhiều.
Việc thu hút nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi vào sinh hoạt Hội là cần thiết, qua đó sẽ giúp cho phụ nữ được tiếp cận đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các hoạt động Hội; phụ nữ yếu thế, phụ nữ cao tuổi được quan tâm chăm sóc, nữ thanh niên được tiếp cận với các kiến thức về chăm sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hanh phúc, hạn chế các trường hợp kết hôn sớm, được tiếp cận với kiến thức tư vấn hôn nhân và gia đình...
Đây là mái nhà chung để các cô, các bà giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.
Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ huyện Lạc Sơn khóa XXIV nhiệm kỳ 2021-2026 đã đặt ra chỉ tiêu thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội đến năm 2026 tỷ lệ phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia vào tổ chức Hội cơ sở tăng thêm 700 hội viên trong toàn huyện; phấn đấu không có cơ sở, chi hội có tỷ lệ thu hút hội viên phụ nữ sinh hoạt hội ở mức dưới 60%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hội LHPN huyện Lạc Sơn đã xây dựng Đề án về Thu hút phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên tham gia sinh hoạt trong tổ chức Hội LHPN các cấp, giai đoạn 2022-2026 triển khai đến 24/24 cơ sở Hội trong toàn huyện. Từ khi Đề án được triển khai, Hội LHPN các cơ sở đã có nhiều cách làm nhằm thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội như: tổ chức tọa đàm, giao lưu văn nghệ, hái hoa dân chủ, thảo luận... cung cấp kiến thức bổ ích, tạo sân chơi cho chị em gặp gỡ, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con, cháu, cách ứng xử giữa mẹ chồng - nàng dâu, các kỹ năng chăm sóc gia đình, cách hòa giải các mâu thuẫn từ đó tìm ra các giải pháp xử lý tình huống hợp lý; Ngoài ra, còn duy trì nhiều loại hình tập luyện thể thao phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ. Qua 05 tháng triển khai đề án, Hội đã thành lập được 23 "Tổ phụ nữ cao tuổi" trên địa bàn huyện, với 614 thành viên tham gia.
Chị Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn cho biết: "Để tập hợp thu hút được ngày càng đông chị em tham gia vào tổ chức Hội, nhất là những phụ nữ cao tuổi, đòi hỏi các chi hội năng động, sáng tạo, tư duy mới trong từng cách làm phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng phụ nữ. Các mô hình được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện và do các thành viên chủ động về nội dung, hình thức sinh hoạt, có sự định hướng, hỗ trợ của các cấp Hội và đặc biệt là đội ngũ cán bộ Hội phải thực sự tâm huyết, bám sát cơ sở để gây dựng và thúc đẩy phong trào. Có như thế hiệu quả của việc thành lập tổ phụ nữ cao tuổi mới ngày càng được phát huy".
Mô hình "Tổ phụ nữ cao tuổi" đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động Hội ở cơ sở, tạo sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội, giúp phụ nữ cao tuổi tự tin khẳng định bản thân trong môi trường sinh hoạt tập thể lành mạnh, an toàn, phát huy vai trò, sự đóng góp của phụ nữ cao tuổi đối với tổ chức Hội và địa phương.