Hà Nội chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái

04/10/2017 - 18:45
Mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái do Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đang triển khai và duy trì, trong đó hai địa phương được chọn làm thí điểm mô hình này là huyện Thanh Oai và thị xã Sơn Tây.
Nằm trong giải pháp nhằm kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đang triển khai và duy trì mô hình chăm sóc người cao tuổi sinh con một bề là gái, trong đó hai địa phương được chọn làm thí điểm mô hình này là huyện Thanh Oai và thị xã Sơn Tây. 

Mục đích của của mô hình này nhằm nâng cao vị thế của người cao tuổi có con một bề là gái, đồng thời nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội cho người cao tuổi. 

Bên cạnh đó, các nội dung của mô hình còn hướng đến mục tiêu thực hiện tốt chính sách dân số, giảm áp lực cho người cao tuổi khỏi quan niệm truyền thống phải có con trai để phụng dưỡng lúc tuổi già, nhất là người cao tuổi sinh con một bề là gái, không có lương hưu và trợ cấp xã hội. 

Theo kế hoạch, đến hết tháng 12/2017, Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội sẽ xây dựng, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị được chọn thí điểm để tổ chức thực hiện mô hình. 

Các tài liệu liên quan đến mô hình được xây dựng trên dữ liệu nghiên cứu khoa học và cung cấp cho các quận, huyện, thị xã. Chi cục phối hợp với các đơn vị cơ sở thực hiện các hoạt động, kiểm tra và giám sát; qua đó phân tích, đánh giá, tổng kết nghiệm thu mô hình tại các địa bàn và trên toàn thành phố. 

Để đảm bảo tính thực tiễn của mô hình, các hoạt động điều tra, nghiên cứu thực địa, thu thập dữ liệu sẽ được triển khai khẩn trương; tổ chức hội nghị, tọa đàm tìm giải pháp triển khai mô hình tại cộng đồng. 
cham-soc.jpg
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)


Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ và khuyến khích người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có con một bề tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao tại địa bàn. 

Qua rà soát, Ban dân số xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai) kết hợp với Hội Người cao tuổi xã lên danh sách được 747 người cao tuổi, trong đó có 62 người sinh con một bề (29 người sinh con một bề là gái và 33 người sinh con một bề là trai). 

Sau khi triển khai ở hai địa bàn điểm, thành phố Hà Nội sẽ kiểm nghiệm tính hiệu quả của mô hình, trên cơ sở đó tiến hành nhân rộng ra các địa bàn trên toàn thành phố. 

Kết quả thống kê và điều tra sơ bộ, năm 2016, Hà Nội có 959.963 người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 12,7% dân số; trong đó khoảng 180 nghìn người từ 80 tuổi trở lên. 

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Trong năm 2016 đã có 451.000 người được khám sức khỏe định kỳ và lập hồ sơ quản lý sức khỏe. 

Thành phố cũng thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho 459.396 người cao tuổi thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, người mù có hoàn cảnh khó khăn, người bị bệnh phong và người dân thuộc chương trình 135 của thành phố. Số người cao tuổi được phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe là 413.876 người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm