Khi vấn đề gian lận điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại nhiều địa phương vừa qua đang khiến dư luận bức xúc, gây xói mòn lòng tin về tính nghiêm túc, khách quan của giáo dục chưa kịp lắng xuống thì chúng tôi lại phải nhắc đến một câu chuyện khá cũ liên quan đến giáo dục đã và đang khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi về sự minh bạch, khách quan của cơ quan chức năng địa phương. Điều đáng nói hơi, câu chuyện đó lại xảy ra ngay tại một quận trung tâm ở thủ đô Hà Nội.
Đó là câu chuyện tiêu cực xảy ra tại trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội) từng bị báo chí, cơ quan chức năng phanh phui từ hồi năm 2016. Thế nhưng, nhiều năm qua, sự việc này vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, thậm chí còn có dấu hiệu bao che cho người làm sai. Điều này khiến cho người dân bức xúc và mất niềm tin vào chính quyền cơ sở.
Cầm tập hồ sơ, đơn thư lên đến hàng trăm trang, cô giáo Nguyễn Minh Hằng (nguyên giáo viên trường THCS Ba Đình đã về hưu) bức xúc phản ánh, vào cuối năm 2016, thanh tra quận Ba Đình kết luận, bà Nguyễn Thị Bình – Hiệu trưởng trường THCS Ba Đình nhiều năm học đã cho thu, chi sai quy định, bỏ ngoài hệ thống sổ sách kế toán của nhà trường lên tới cả tỷ đồng.
Dẫu vậy, trong kết luận của thanh tra lại cho rằng, những vi phạm về tài chính của nữ hiệu trưởng không có dấu hiệu tham nhũng, vụ lợi. Chính điều này đã dẫn tới những việc làm sau đó chưa đúng với quy định của pháp luật, gây bức xúc trong dư luận: Việc điều động, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Bình về Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ba Đình và mới đây là điều động về làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất (quận Ba Đình) trong khi chưa giải quyết hết hậu quả của những sai phạm thời làm Hiệu trưởng trường THCS Ba Đình. Điều này khiến cho người dân và cả giáo viên đang đặt ra nhiều câu hỏi về tính khách quan, trung thực, nghiêm minh của chính quyền quận Ba Đình trong việc xử lý, bổ nhiệm cán bộ vi phạm kỷ luật.
Theo tài liệu, năm học 2013 – 2014, Trường THCS Ba Đình thu tiền cơ sở vật chất là 600 nghìn đồng/học sinh. Năm học 2014 – 2015, số tiền cơ sở vật chất là 500 nghìn đồng/học sinh. Trong khi đó, theo Quyết định số 51 của UBND thành phố Hà Nội thì mức thu chỉ là 100 nghìn đồng/học sinh. Khi phụ huynh phản ánh thì nhà trường trả lại 400 nghìn đồng.
Mặt khác, theo quy định của Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội, việc thu tiền hỗ trợ dạy nghề, thi nghề đối với học sinh lớp 9 là 40 nghìn đồng/học sinh. Thế nhưng, Trường THCS Ba Đình trong 2 năm học 2013 – 2014 và 2014 – 2015 đã thu 200 nghìn đồng/học sinh.
Mức chênh lệch lên tới 160 nghìn đồng so với quy định; thế nhưng, khi trả lời đơn thư tố cáo của công dân, UBND quận Ba Đình tại văn bản số 144/TB- UBND ngày 2/8/2016 lại cho rằng, mức thu này là do thỏa thuận giữa phụ huynh học sinh và nhà trường nhằm hỗ trợ giáo viên dạy nghề. Trong đó, chi cho giáo viên trực tiếp dạy nghề là 60%, còn hỗ trợ cơ sở vật chất là 40%. Điều này cũng được thể hiện trong kết luận thanh tra số 143/KL – UBND ngày 1/8/2016 của UBND quận Ba Đình cũng ghi rõ, 60% số tiền 200 nghìn học nghề của học sinh đã được chi trả cho giáo viên đứng lớp.
Về điều nay, đại diện ban phụ huynh khẳng định không có thỏa thuận đó. Chưa dừng lại ở đó, bất ngờ hơn là chính giáo viên đứng lớp dạy nghề thời điểm đó cũng khẳng định, không hề được nhận mức hỗ trợ 60% như văn bản 144 của UBND quận Ba Đình.
Trong kết luận thanh tra này của UBND quận Ba Đình cũng nêu rõ, trong năm 2013, số tiền để ngoài sổ sách thu từ dạy thêm, học thêm của trường là hơn 2 tỷ đồng. Số tiền này chi cho giáo viên là 70%, 30% còn lại nhà trường giữ. Năm 2014, số tiền này là hơn 1,9 tỷ đồng.
Những sai phạm này đã được báo chí phản ánh mạnh mẽ trong thời điểm đó. Sai phạm hàng loạt của vị Hiệu trưởng này khiến giáo viên, phụ huynh và dư luận bức xúc. Nhiều người trông chờ vào 1 biện pháp xử lý nghiêm minh đến từ cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng, vi phạm của bà Nguyễn Thị Bình lại không được xử lý thấu đáo nghiêm minh. Theo cô giáo Nguyễn Minh Hằng, bà Bình tự kiểm điểm chính bản thân mình trước Hội đồng giáo viên nhà trường.
Sau đó, đến ngày 1/9/2016, khi chưa giải quyết, khắc phục hết những sai phạm thì bà Bình đã được điều chuyển về Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ba Đình khiến dư luận hết sức ngỡ ngàng. Tiếp đến, ngày 2/2/1018, bà Nguyễn Thị Bình đã được điều động về làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thống Nhất (Ba Đình, Hà Nội).
Liên quan đến vấn đề này, trả lời trên Truyền hình ANTV, ông Đỗ Viết Bình – Chủ tịch UBND quận Ba Đình lý giải, lý do không kỷ luật bà Bình là dựa trên kết luận của thanh tra quận. Ông Bình cho rằng, kết luận thanh tra chỉ ra Trường THCS Ba Đình và cá nhân bà Nguyễn Thị Bình lúc làm hiệu trưởng trường này đã có những khuyết điểm. Tuy nhiên, khuyết điểm đó chưa đến mức phải kỷ luật.
Đến đây thì dư luận có quyền đặt ra câu hỏi, lẽ nào việc sai phạm trong thu chi lên tới hàng tỷ đồng diễn ra liên tiếp trong nhiều năm của bà Nguyễn Thị Bình chỉ là một khuyết điểm nhỏ, không đáng bị kỷ luật? Vậy thì sai phạm đến mức nào mới phải chịu kỷ luật thưa ông Chủ tịch quận? Có hay không việc lãnh đạo UBND quận Ba Đình bao che, dung túng cho sai phạm của cấp dưới?
PNVN sẽ tiếp tục liên hệ với cơ quan chức năng để làm rõ về vấn đề này.