Nhằm chủ động trong công tác y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đáp ứng y tế phục vụ tại các điểm bắn pháo hoa trong đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Trong đêm Giao thừa Tết, Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm, trong đó có sáu điểm bắn tầm cao và 24 điểm bắn tầm thấp.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị được phân công thường trực tại điểm bắn pháo hoa bố trí một tổ cấp cứu gồm hai bác sỹ, hai điều dưỡng, một xe ôtô cứu thương và đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị y tế theo đúng quy định cho một kíp cấp cứu ngoại viện trên xe ôtô cứu thương thường trực tại các điểm bắn trong suốt quá trình bắn pháo hoa.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế Hà Nội tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, trực cấp cứu 24/24h, sẵn sàng thu dung và cấp cứu; duy trì trực đầy đủ theo quy chế chuyên môn; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để dự phòng, tiếp nhận điều trị người bệnh cấp cứu.
Các bệnh viện đảm bảo công tác thường trực cấp cứu của các kíp trực, tổ cấp cứu cơ động tại các đơn vị; sẵn sàng tham gia vận chuyển người bệnh, cấp cứu kịp thời khi có yêu cầu. Đồng thời, các bệnh viện bố trí nhân lực, phương tiện, thuốc, trang thiết bị thường trực tại các điểm bắn pháo hoa, sẵn sàng cấp cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra trong suốt quá trình bắn pháo hoa.
Các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, trực cấp cứu 24/24h; duy trì trực đầy đủ theo quy chế chuyên môn, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để dự phòng, tiếp nhận điều trị cấp cứu. Đồng thời, chuẩn bị sẵn các đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu trong trường hợp xảy ra những tình huống cấp cứu chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt, thảm họa nếu có.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng vừa ban hành Công văn số 339/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn và các cơ sở điều trị Methadone. Trong đó, giao Sở Y tế Hà Nội chủ trì, phối hợp, thống nhất với Công an thành phố, Ủy ban Nhân dân huyện Thanh Trì và đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc tách điểm điều trị thay thế Methadone ra khỏi Bệnh viện 09, chuyển sang điểm khác, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 20/2; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế quản lý đặc thù đối với đối tượng nhiễm HIV/AIDS nghiện ma túy được điều trị bằng biện pháp thay thế Methadone; đối tượng HIV giai đoạn cuối, nghiện ma túy, được hoãn thi hành án do không đủ sức khỏe để giam giữ.
Bên cạnh đó, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quản lý chặt chẽ công tác cấp phát thuốc điều trị Methadone theo quy định hiện hành, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở điều trị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, cấp phát Methadone, kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm liên quan đến việc điều trị Methadone tại cơ sở.
Cùng với đó, các đơn vị thuộc ngành y tế chủ động phối hợp với cơ quan Công an nơi có cơ sở điều trị Methadone, để bảo vệ an ninh trật tự tại nơi cơ sở trú đóng; thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương, lực lượng công an cơ sở các trường hợp bệnh nhân điều trị Methadone vi phạm quy định điều trị để lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc; tăng cường lực lượng bảo vệ cơ sở, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, trang bị kiến thức, phương tiện cho lực lượng bảo vệ, đảm bảo đủ điều kiện bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở điều trị.../.