Hà Nội dấu yêu là tập ảnh ký sự về đời sống con người và phong cảnh Hà Nội từ năm 1978 đến năm 2015 của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo – chồng của NSND Như Quỳnh. Là người sống giữa lòng phố cổ, ông cảm nhận sâu sắc sự biến đổi của Hà Nội qua thời gian và ghi lại những hình ảnh rất đời thường, bình dị và đậm chất Hà Nội.
Buổi ra mắt tập sách ảnh của Nguyễn Hữu Bảo được tổ chức vào tối 23/9/2016 trong một không gian đậm chất Hà Nội xưa. Đến chia vui cùng ông có rất nhiều trí thức Hà thành như kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, nhà sử học Dương Trung Quốc, PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán, họa sĩ Lê Thiết Cương…
|
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo ký tặng sách cho độc giả |
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo cho biết, ông bắt đầu chụp ảnh từ năm 1973, khi Việt Nam vẫn còn chưa có ảnh màu. Cảm xúc thẩm mỹ ban đầu của ông là đen trắng, nên đến giờ ông vẫn thích đen trắng. Chính vì thế, khi thực hiện Hà Nội dấu yêu, ông đã chọn cùng một giai điệu đen trắng và có nhiều bức ban đầu là ảnh màu, nhưng ông vẫn chuyển sang đen trắng. Theo ông, bản chất của ảnh đen trắng là lãng mạn và điều đó thích hợp với một tập sách ảnh về Hà Nội.
Về những bức ảnh đen trắng của Nguyễn Hữu Bảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng ông chụp những gì có thật, không dàn dựng, không hư cấu: “Trắng - đen với những giai điệu của sắc độ đậm nhạt khác nhau trên ảnh không chỉ cho thấy tay nghề của người chụp mà còn thấy được chiều sâu của sự vật, không bị tác động bởi màu mè pha loãng tâm cảm người xem. Nó giống như một lời nói thẳng trong giao tiếp ngôn ngữ”.
|
Tập sách ảnh "Hà Nội dấu yêu" |
Còn với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đời sống Hà Nội trong các bức ảnh của Nguyễn Hữu Bảo phản ảnh nỗi lòng, tâm sự và thẩm mỹ của anh và tầng lớp trung lưu thị dân sống ở Thủ đô mà anh thuộc lòng… “Những bức ảnh đen trắng của Nguyễn Hữu Bảo bộc lộ một kiểu tình yêu Hà Nội thường trực, có cả đau đớn lẫn sự thỏa mãn, khoái chí đan xen nhau” - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhận định.
Với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, cuốn sách của Nguyễn Hữu Bảo đã cho chúng ta thấy một Hà Nội trôi dạt, một Hà Nội mà ta không còn nhìn thấy rõ ràng, chỉ hiện hữu một cách mơ hồ đâu đó trong từng ngõ phố, từng góc khuất… Nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể, chính Nguyễn Hữu Bảo đã chụp lại bộ ảnh đám tang của cha ông. “Cách chụp của Hữu Bảo không phải như chụp một đám tang, mà giữ lại một nghi lễ. Và cao hơn một nghi lễ là một tinh thần văn hóa trong nỗi đau thương”.
|
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên |
Và cách chụp đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã gặp lại trong Hà Nội dấu yêu. Nơi đó, có một Hà Nội trôi dạt, một Hà Nội mà chúng ta có thể nhìn thấy đâu đó trong ký ức, vừa đẹp đẽ, vừa đau đớn. “Nhiếp ảnh gia Hữu Bảo đã giữ lại những cái đau đớn, mơ hồ mà không phải nhiều người ở thành phố này biết giữ lại. Cảm ơn anh đã cố gắng lưu giữ Hà Nội bằng những khoảnh khắc, nếu không nó còn trôi dạt không bến bờ, không bao giờ quay trở lại được”.
Cùng xem những bức ảnh đen trắng về Hà Nội của Nguyễn Hữu Bảo trong tập sách Hà Nội dấu yêu do Phương Nam Books phát hành.
|
Phố Hàng Giầy - 1980 |
|
Trong công viên Lê-nin - 1980 |
|
Bà quả phụ Nguyễn Duy Kiên |
|
Ngày xá tội vong nhân |
|
Phố Lương Ngọc Quyến |
|
5 đánh 1 vẫn chột như thường |
|
Cuối đông |