Hà Nội gấp rút hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi

Trường Hùng
28/03/2025 - 16:26
Hà Nội gấp rút hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi

Triển khai tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi ở Trạm Y tế xã Yên Thường (huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Dịch sởi đang diễn biến phức tạp, với số lượng ca mắc tăng cao, bệnh nhân có biến chứng nặng, đỉnh điểm mới đây Hà Nội đã ghi nhận ca tử vong dầu tiên. Trước tình hình đó, Hà Nội đã đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch bệnh này. Cho đến thời điểm hiện tại, các trạm y tế trên địa bàn thành phố đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu của chiến dịch.

Theo báo cáo của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 42.000 ca nghi mắc sởi. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận 13 ca tử vong do sởi từ năm 2024 đến nay. Trong đó trường hợp bé gái 4 tuổi (trú quận Nam Từ Liêm) là ca bệnh tử vong do mắc sởi đầu tiên của Hà Nội, được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thông tin từ ngày 22/3.

Đáng chú ý khi khai thác tiền sử bệnh, các bác sĩ nhận thấy mặc dù bệnh nhi đã 4 tuổi nhưng trường hợp này trước đó chưa từng được tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi. Trong khi khuyến cáo của ngành Y tế đặc biệt nhấn mạnh, đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây truyền rất mạnh đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm liều thứ nhất ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, hoàn thành liều thứ 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Hà Nội gấp rút hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi- Ảnh 1.

Vaccine sởi đơn MVVAC cho nhóm trẻ thuộc nhóm tuổi từ 6-9 tháng theo quy định của Bộ Y tế

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi, để tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi. Triển khai thực hiện, ngày 18/3/2025, Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 2 tại 54 tỉnh, thành phố. Trong đó, tiêm bổ sung cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi - lứa tuổi ghi nhận nhiều ca mắc trong giai đoạn này. Cũng như chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai và bảo đảm kết thúc việc tiêm chủng chậm nhất trong ngày 31/3/2025.

Tại Hà Nội, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi cho nhóm trẻ trong độ tuổi mở rộng này còn rất thấp (đạt 66%), trong khi mục tiêu yêu cầu đạt ra là 95%. Do đó, để ứng phó kịp thời và hiệu quả, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2025 và đề xuất Bộ Y tế cung cấp đủ vaccine để tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 6 - 9 tháng tuổi.

Cán bộ y tế cơ sở khó khăn khi vận động cha mẹ đưa trẻ đi tiêm vaccine

Ghi nhận tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm, Hà Nội), cho đến thời điểm này, địa phương đã triển khai tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi cho 51 trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi trên địa bàn.

"Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác triển khai tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi cho nhóm trẻ thuộc độ tuổi trên được chúng tôi triển khai rất khẩn trương. Ngay từ ngày 17/2, chúng tôi đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân, tham mưu với UBND xã, đến 21/2 địa phương đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng mở rộng", bà Đặng Thị Hạnh, phụ trách Trạm Y tế xã Yên Thường, chia sẻ.

Hà Nội gấp rút hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi- Ảnh 2.

Bà Đặng Thị Hạnh, phụ trách Trạm Y tế xã Yên Thường

Qua rà soát đợt 1, trên địa bàn có 51 trường hợp trẻ trong độ tuổi tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi mở rộng. Công tác vận động cha mẹ đưa trẻ trong độ tuổi thực hiện tiêm chủng được triển khai sâu rộng, giấy mời được gửi về từng gia đình (bao gồm cả đối tượng tạm trú, thuê trọ). Dù vậy nhưng số lượng cha mẹ đưa trẻ tới tiêm chủng trong đợt 1 tương đối ít, chỉ được 3 - 4 trẻ.

Nguyên nhân là do cha mẹ chưa nhận thức được dịch sởi đang diễn biến rất phức tạp, có nguy cơ bùng phát và để lại hậu quà nặng nề nếu trẻ không được tiêm chủng sớm. Thứ hai, do trước đó độ tuổi tiêm vaccine phòng sởi mũi 1 bắt đầu khi trẻ được 9 tháng tuổi, nên khi được mời đưa trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi lên cơ sở y tế tiêm vaccine, nhiều cha mẹ do thiếu cập nhập thông tin đã tỏ ra hoang mang, một số người phản ứng gay gắt. 

"Dù được cán bộ y tế giải thích cặn kẽ về tình hình dịch, cũng như quy định mới của ngành Y tế về việc tiêm bổ sung cho trẻ ở lứa tuổi trên", bà Hạnh nói.

Hà Nội gấp rút hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi- Ảnh 3.

Khuyến cáo phòng chống dịch Sởi của ngành Y tế Hà Nội được treo trước cổng Trạm Y tế xã Yên Thường

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80% - 85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90% - 95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vắc xin theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng

Trước tình thế đó, địa phương đã tiến hành họp khẩn thống nhất phương án đảm bảo hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mở rộng đến trước ngày 31/3/2025. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc khẩn cấp, hệ thống truyền thanh từ xã tới thôn mỗi ngày thực hiện tuyên truyền nhiều lần. Trạm Y tế có 9 cán bộ bám sát địa bàn thôn phụ trách, gọi điện vận động cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng quy định.

Cùng với đó, đội ngũ cộng tác viên gồm 27 người của Trạm được phát huy tối đa. Mọi người đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà soát chặt chẽ các trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi, động viên gia đình nhanh chóng đưa con em đi tiêm chủng. Các đối tượng tiêm chủng được bao quát, không chỉ là trường hợp trẻ thường trú trên địa bàn, còn bao gồm trẻ thuộc trường hợp tạm trú, trẻ thuê trọ, hoặc trẻ về thăm người thân trên địa bàn trong giai đoạn thực hiện chiến dịch tiêm chủng. Dù tiêm chủng ở Trạm Y tế hay trung tâm tiêm chủng đều được hoàn toàn miễn phí.

Hà Nội gấp rút hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi- Ảnh 4.

Giấy mời tiêm vaccine phòng Sởi được gửi đến từng gia đình.

Hà Nội gấp rút hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi- Ảnh 5.

Cha mẹ đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng Sởi tại Trạm Y tế xã Yên Thường.

Hà Nội gấp rút hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi- Ảnh 6.

Nhờ vậy, nhận thức của cha mẹ trẻ được nâng cao, số lượng đưa trẻ đi tiêm chủng ngày càng gia tăng qua từng đợt. Qua 4 đợt triển khai, đến 27/3, Trạm Y tế xã Yên Thường đã ghi nhận được 51 trường hợp trẻ từ 6 - 9 tuổi trên địa bàn đã thực hiện tiêm vaccine phòng dịch Sởi. Trong đó, số trẻ tiêm tại Trạm Y tế đạt 95,2% (so với số tổng số lượng trẻ rà soát ban đầu trên địa bàn, còn lại tiêm dịch vụ bên ngoài).

Tuy nhiên, trước sự nguy hiểm của dịch sởi, với nguy cơ lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, rất dễ bùng phát trong cộng đồng nếu không được kiểm soát. Chủ động và tăng cường ứng phó, công tác rà soát các đối tượng trong độ tuổi thực hiện tiêm chủng được Trạm Y tế triển khai và cập nhật theo từng ngày. 

Hà Nội gấp rút hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi- Ảnh 7.

Bà Dương Thị Thu Trang, cán bộ chuyên trách tiêm chủng Trạm Y tế xã Yên Thường

"Bất kỳ trẻ nào bước vào độ tuổi 6 tháng trong thời gian này, luôn được chúng tôi cập nhật, gửi giấy mời và gọi điện vận động cha mẹ nhanh chóng đưa con đi tiêm chủng", bà Dương Thị Thu Trang, cán bộ chuyên trách tiêm chủng Trạm Y tế xã Yên Thường, chia sẻ.

Tới 31/3/2025, Trạm Y tế xã Yên Thường sẽ thực hiện đợt tiêm chủng cuối cùng của chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi của Bộ Y tế. Cùng với chiến dịch này, vào thứ Tư tuần đầu tiên và thứ Tư tuần thứ ba mỗi tháng, Trạm Y tế đều thực hiện tiêm vaccine phòng sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ từ 9 - 18 tháng đều được hoàn toàn miễn phí với 2 mũi tiêm (mũi sởi đơn, mũi sởi-rubella), còn trẻ sau độ tuổi trên nếu chưa đủ 2 mũi thì phải chi trả phí dịch vụ.

Bệnh sởi có các triệu chứng thường gặp là sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng với biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, tăng men gan, tiêu chảy, thậm chí viêm não - màng não. Hầu hết các trường hợp này đều chưa được tiêm phòng hoặc trước có tiêm phòng nhưng không tiêm nhắc lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm