Lạm thu do… GV ký thay
Sự việc hi hữu diễn ra tại trường tiểu học Hợp Tiến (H.Mỹ Đức, Hà Nội) do phụ huynh thông tin mới đây. Theo đó, trường vừa phải đem trả lại cho phụ huynh học sinh số tiền hơn 520 triệu đồng. Đây là số tiền mà trường này thu sai quy định trong năm học 2016-2017.
Số tiền mà trường Mầm non Hợp Tiến phải trả lại bao gồm: Tiền xã hội hóa giáo dục hơn 148,8 triệu đồng và tiền cha mẹ học sinh (CMHS) tự nguyện đóng góp phục vụ cho trẻ và CMHS là: 371,8 triệu đồng. Tổng số tiền được thu từ hơn 800 phụ huynh (PH) có con học tại trường. Số tiền trên được trả lại hồi tháng 5/2017.
Các khoản được cho là phụ huynh tự nguyện đóng góp cho nhà trường tính trên mỗi tháng bao gồm: Quỹ phụ huynh 100.000 đồng, dịch vụ vệ sinh 225.000 đồng, bảo vệ 120.000 đồng, Y tế: 20.000 đồng. Tổng là 465.000 đồng/học sinh/năm. Còn các khoản xã hội hóa đóng tùy theo khu vực, mức đóng khác nhau.
Theo tìm hiểu, để nhận lại được khoản tiền đã đóng, các PH đã trải qua 9 cuộc họp khá căng thẳng với lãnh đạo trường mầm non Hợp Tiến. Một PH học sinh cho biết: “Trường không minh bạch trong các khoản thu chi. Khi phụ huynh yêu cầu trả lời về việc nhà trường quản lý bao nhiêu học sinh, tổng tiền thu, chi trong năm học là bao nhiêu, trường không trả lời được”.
Trao đổi với Báo Phụ nữ Việt Nam chiều 15/9, bà Trần Thị Bình- Hiệu trưởng nhà trường - thừa nhận có sự việc trên và đã hoàn trả đủ số tiền hơn 520 triệu đồng lạm thu cho phụ huynh.
Nguyên nhân dẫn đến vụ việc, theo bà Bình là do lỗi sơ suất từ các GV, trong đó có sự lỏng lẻo trong quản lý của chính bản thân bà.
“Các khoản thu là nhà trường thống nhất với phụ huynh, được PH đồng tình song khi thu thì GV thu hộ và ký tên thay cho phụ huynh. Thời điểm họp phụ huynh đầu năm học, sau khi thống nhất xong các khoản thu, PH nhanh chóng ra về nên GV không kịp lấy chữ ký nên đã ký thay. Đây là việc làm sai nguyên tắc nên lỗi thuộc về nhà trường”- nữ Hiệu trưởng phân trần.
Tuy nhiên, bà Bình khẳng định việc sử dụng các khoản thu là... có thật. Cụ thể, khoản thu xã hội hóa đã được nhà trường chi cho các việc như: Bắn mái tôn nhà bếp với diện tích hơn 200m2, mua 12 tivi, một tủ ga, một bộ âm ly loa đài. Quỹ cha mẹ học sinh, PH cũng đứng ra chi cho các hoạt động khai giảng, 1/6, trung thu hay sơ kết - tổng kế lớp… “Đó là những khoản chi thật, chỉ sai ở khâu GV ký thay PH. Nhưng một số PH muốn đòi nên chúng tôi đành trả lại!” - bà Bình cho hay.
Trả phụ huynh tiền lạm thu năm 2016 bằng tiền được cấp năm 2017
Bà Trần Thị Bình cũng cho biết, chủ trương huy động kinh phí từ PH do nhà trường quá khó khăn trong khi từ năm 2016 trở về trước, nhà nước không cấp ngân sách cho trường. Từ 2017, nhà nước đã cấp ngân sách cho trường nên trường xin chi đổi nguồn để dùng số tiền được cấp trả lại 520 triệu đồng cho PH.
Điều này đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ chi tiêu bớt lại cho năm học mới trong khoản ngân sách được cấp, mà theo lời bà Bình là “trên tinh thần tiết kiệm, chi tiêu phù hợp, không lãng phí”. Nữ Hiệu trưởng còn cho biết thêm, nếu PH không đòi lại số tiền này, nhà trường đang có kế hoạch lắp máy điều hòa cho HS trong năm học mới.
“Xóa sổ” quỹ xã hội hóa và quỹ cha mẹ HS
Sau vụ việc, trường mầm non Hợp Tiến xóa bỏ chủ trương thu quỹ xã hội hóa và một số khoản thu tự nguyện khác. Trường chỉ thu những khoản theo đúng quy định của UBND huyện Mỹ Đức, theo đó, thu mỗi HS/tháng, gồm: Chăm sóc bán trú 150.000 đồng; tiền ăn 13.000 đồng/ngày, tiền hỗ trợ trang thiết bị bán trú 130.000 đồng, tiền nước uống 12.000 đồng…
“Đây là bài học đắt giá cho chúng tôi, chúng tôi có nói với PH là năm nay không chủ trương thu xã hội hóa và quỹ cha mẹ HS nữa do đang có hiểu lầm khúc mắc giữa trường và PH. Do đó chúng tôi sẽ không thu các khoản này nữa, và nói thật là cũng không thành lập nổi ban PH để làm các công tác thu chi này” - bà Bình thẳng thắn.
Việc tổ chức thu các khoản nói trên, nhà trường cũng thực hiện kỹ quy trình bằng cách ra văn bản liệt kê các khoản, PH nào đồng ý hoặc không đồng ý các khoản thu ấy thì ký vào văn bản. Dựa vào đó, trường sẽ xin chủ trương cấp trên để cân đối lại các mức thu chi phù hợp.