Ngày 4/4, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong 2 năm 2017 - 2018, có 26 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tổ chức triển khai sàng lọc ung thư đại trực tràng. Kết quả cho thấy, đã có 415.186 mẫu được xét nghiệm, trong đó 21.451 mẫu dương tính (tỷ lệ 5,42%).
Theo Sở Y tế Hà Nội, những trường hợp cho kết quả xét nghiệm dương tính đều được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, kết quả dương tính cũng chưa thể khẳng định ngay là có ung thư. Bởi có nhiều nguyên nhân dẫn đến máu trong phân như viêm loét đường tiêu hóa, trĩ, polyp đại tràng và ung thư đại trực tràng.
Theo ông Hạnh, đối với những mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính, người dân đã được tư vấn, hướng dẫn khám chuyên khoa để phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời.
Hiện tại, Hà Nội đang tiếp tục triển khai sàng lọc ung thư đại trực tràng ở huyện Chương Mỹ và huyện Thanh Oai. Tổng cộng khoảng 220.000 người từ 40 trở lên tại 2 huyện này sẽ được sàng lọc.
Theo Bộ Y tế, ung thư đại trực tràng là loại ung thư phổ biến, xếp thứ 5 trong số những ung thư thường gặp ở cả nam và nữ. Tại Việt Nam, năm 2018 có hơn 14.000 người mắc mới ung thư đại trực tràng và hơn 7.000 trường hợp tử vong vì bệnh này.
Để phòng ngừa bệnh, người dân nên giảm phần calo chất béo trong bữa ăn từ 40% xuống còn 25-30%; tăng cường hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn hằng ngày; hạn chế thức ăn muối, lên men, xông khói, sấy khô; tránh những chất gây đột biến gene trong thức ăn như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trọng; không lạm dụng rượu, bia và các chất lên men. Đặc biệt, những người sau 40 tuổi nên xét nghiệm máu trong phân, soi trực tràng, đại tràng 3-5 năm/lần để phát hiện và điều trị sớm các bất thường.