Dù còn hơn 2 tuần nữa mới đến Tết Trung thu nhưng một ngôi nhà có kiến trúc Hội An rộng hơn 450m2 tại Hà Nội đã trang trí hàng trăm chiếc đèn lồng, đèn ông sao, cùng diều Huế, hoa giấy Huế.
Căn nhà có kiến trúc Hội An rộng hơn 450m2, tọa lạc tại thôn Phù Đổng 2 (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) là nhà ở cá nhân kết hợp kinh doanh, được xây dựng vào cuối năm 2023. Căn nhà ở vị trí đê Phù Đổng, gần Đền Gióng, Di tích Quốc gia đặc biệt.
Chuẩn bị cho dịp Tết Trung thu 2024, gia chủ đã trang trí hàng trăm chiếc đèn lồng Hội An xung quanh căn nhà: Phía trước nhà, bên hông và ban công tầng 3.
Những chiếc đèn lồng có nhiều màu sắc (đỏ, vàng, cam trắng,...), hình dáng (củ tỏi, hình tròn), kích cỡ khác nhau, được đặt mua từ chính tay các nghệ nhân làm đèn lồng ở Hội An. Mỗi chiếc đèn lồng có giá dao động từ 50.000-100.000 đồng.
Đèn lồng hòa quyện với cây cối xung quanh khiến cho không gian căn nhà trở nên ấm áp, lung linh, huyền diệu trong đêm tĩnh lặng.
Trước sảnh nhà, dưới giàn hoa giấy, gia chủ treo khoảng 100 chiếc đèn ông sao. Mỗi chiếc đèn ông sao có giá dao động khoảng 15.000 đồng, được đặt mua từ các nghệ nhân làm đèn ông sao ở miền Bắc.
Đối với các trẻ em ở Việt Nam, chiếc đèn ông sao là một đồ chơi không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu (Tết Thiếu nhi, Rằm tháng Tám). Chiếc đèn là biểu tượng của ánh sáng chân thành, soi sáng tâm hồn trẻ thơ, giúp các em lớn lên khỏe mạnh.
Còn đối với ý nghĩa chung, chiếc đèn ông sao với 5 cánh còn là biểu tượng của ngũ hành tương sinh, tương khắc trong phong thủy (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ). Với ánh sáng tốt lành, chiếc đèn sẽ xua đi điều dữ, đem đến điều lành, làm cho mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên được hài hòa, ổn định.
Khu vực trang trí đèn ông sao đặc biệt thu hút sự quan tâm của người dân. Nhiều người không quản đường sá xa xôi đã lặn lội đến chụp ảnh check-in tại căn nhà.
Để tăng thêm sự đặc biệt cho không gian Tết Trung thu theo cách riêng của gia đình, gia chủ còn đặt mua những chiếc diều thủ công được làm tại Huế. Chiếc diều được treo ở vị trí tầng 3, và cố định như kiểu diều đang bay.
Từ những thanh tre đơn giản, bằng đôi bàn tay khéo léo các nghệ nhân đã thổi hồn vào đó. Đến khi các thanh tre được ghép lại, họ đã hình thành những con vật như chim công, chim phụng,...
Nói đến Huế, không thể nhắc đến cây hoa giấy của làng nghề Thanh Thiên, đây là một biểu tượng cho vẻ đẹp của đất Cố đô. Cây hoa giấy được gia chủ đặt mua từ chính các nghệ nhân của làng nghề, sau đó được bài trí trong không gian Hội An rất đặc trưng của gia đình.
Hoa giấy là đồ thờ cúng không thể thiếu vào mỗi dịp tết đến xuân về của người dân Huế. Việc thờ cúng bằng loại hoa này, xuất phát từ chính đặc điểm thổ nhưỡng của Huế, mưa dầm dề “thối đất thối cát” kéo dài, còn nắng thì như đổ lửa, nên các loại tươi dùng thờ cúng không kéo dài được lâu. Cho nên, người dân làng Thanh Thiên mới sáng tạo các loại hoa giấy để thờ cúng gia tiên.
“Đèn ông sao, đèn lồng, diều Huế, hoa giấy Huế, đều là những sản phẩm cổ truyền của dân tộc. Ngoài việc tôn vinh, cũng nhân dịp này, tôi muốn mang những vẻ đẹp của các vùng miền đến với miền đất di sản Phù Đổng để mọi người dân, trẻ em, du khách được chiêm ngưỡng, thưởng lãm”, ông Đặng Trần Khanh (SN 1971), chủ nhân căn nhà chia sẻ.