Tại cửa hàng rau sạch Thiên Lý (chợ Hà Đông) tấp nập người mua từ sáng sớm. Ai nấy đều cảm thấy phấn khởi khi lựa chọn được các bó rau tươi xanh mang về gia đình. Trên kệ hàng, đầy đủ các loại rau, củ, quả, nấm sạch được nhập từ Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân, Rau an toàn Lĩnh Nam… Chị Phạm Thị Cúc, chủ cửa hàng rau sạch Thiên Lý cho biết: “Trước nỗi lo về an toàn thực phẩm, tôi cũng như các chị em trong nhóm xung kích luôn thực hiện tốt các quy định về ATVSTP. Thực phẩm mua luôn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng chính là phương châm lâu dài của cửa hàng chúng tôi”. Chị Đào Thị Minh Thu, hội viên phụ nữ ở chợ Hà Đông chia sẻ: “Tuy giá thành ở cửa hàng rau sạch có cao hơn so với các quầy bán rong nhưng tôi vẫn lựa chọn mua vì thấy chất lượng rau tốt hơn. Điều quan trọng là sức khỏe của gia đình được bảo đảm”.
Nhóm xung kích ATVSTP ở chợ Hà Đông được thành lập từ năm 2016 với 25 thành viên, chủ yếu là các nữ tiểu thương vừa kinh doanh trong ngành ăn uống, hoa quả, thực phẩm tươi sống, vừa tham gia công tác Hội Phụ nữ. Do đó, việc thực hiện tuyên truyền cho người dân quan tâm sức khỏe cộng đồng đều được mọi người lắng nghe, ủng hộ. Những ngày đầu thành lập, nhóm xung kích đã phối hợp Hội LHPN quận Hà Đông đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm địa phương; đồng thời tập trung vào các địa chỉ của cán bộ hội viên phụ nữ sản xuất có nguồn gốc, có sự thẩm định của cơ quan chuyên môn nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng những mặt hàng có chất lượng, uy tín.
Ngoài việc có những gian hàng tin cậy cho người tiêu dùng, những thành viên của Nhóm xung kích ATVSTP còn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ tiểu thương có trách nhiệm với lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh; người sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra để từ đó phát triển kinh tế cho hộ gia đình. Đồng thời, hướng dẫn người dân, những hộ gia đình đang kinh doanh lựa chọn các thực phẩm an toàn và cam kết thực hiện tiêu chí “Hai có, bốn không”. Trong đó, hai có là: có sản phẩm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có đầy đủ găng tay, khẩu trang bảo đảm ATVSTP trong khâu chế biến. Bốn không là: không sản xuất thực phẩm không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không sử dụng thực phẩm bị cấm trong sản xuất, chế biến; không kinh doanh, chế biến thực phẩm bị ôi thiu, quá hạn sử dụng.
Bên cạnh đó, nhóm xung kích còn vận động hội viên phụ nữ đang kinh doanh thức ăn đường phố, kinh doanh tại các ngành hàng ăn uống ở chợ tham gia tổng vệ sinh môi trường, thanh lý, thu gom các loại rác thải, phế liệu ô nhiễm môi trường chung quanh khu vực bán hàng. “Tôi đã tham gia nhóm xung kích ngay từ ngày đầu thành lập. Qua những buổi tập huấn, tuyên truyền của nhóm, tôi đã nhận thức sâu sắc về vấn đề ATVSTP, những mối nguy hại đến người tiêu dùng nếu bày bán những mặt hàng kém chất lượng”, cô Lý Thị Chính, chủ cửa hàng hoa quả chợ Hà Đông chia sẻ.
Sau 5 năm hoạt động, Nhóm xung kích ATVSTP ở chợ Kiến Hưng đã trở thành “cầu nối” giúp chị em phụ nữ kinh doanh ở chợ chia sẻ, giao lưu, gắn kết với nhau trong cuộc sống. Sau khi tham gia nhóm, vấn đề an toàn thực phẩm luôn là tiêu chuẩn hàng đầu, “ăn sâu” trong nếp nghĩ, cách làm của mỗi chị em, hội viên phụ nữ. Từ cô Lê Thị Xuân, chủ quầy bán đồ ăn sáng cũng trở nên cẩn thận hơn trong việc chọn thực phẩm, chế biến đồ ăn chín sao cho bảo đảm, sạch sẽ; đến bác bán rau Hoàng Thị Khanh, trước kia chỉ mua rau tại vườn nhà người dân trong làng trồng để bán, đến nay cũng đã biết tìm những mối hàng rau sạch có nguồn gốc, xuất xứ, uy tín, chất lượng để nhập về. Sau những buổi tan chợ, các chị em tiểu thương còn có ý thức bảo nhau dọn dẹp sạch sẽ, thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định. Nhiều người chủ động thực hiện tốt vệ sinh nơi bán hàng, dụng cụ chế biến thực phẩm và bảo quản thực phẩm; đồng thời trở thành những tuyên truyền viên tích cực về ATVSTP tới nhiều hộ gia đình khác.
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phát động trong cán bộ, hội viên, nữ tiểu thương thực hiện “Ba công khai, hai chuẩn mực”. Đó là, công khai về giá, công khai về chất lượng, công khai nguồn gốc xuất xứ; chuẩn mực về giao tiếp, chuẩn mực về cân đo. Chúng tôi tiếp tục phối hợp Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội để giới thiệu các chuỗi sản xuất sản phẩm an toàn, có địa chỉ rõ ràng tới tay người tiêu dùng.